Càng gần tới buổi biểu diễn tối 13/10, sức nóng của đêm nhạc Kenny G càng lúc càng lan tỏa tới cộng đồng người yêu nhạc quốc tế tại Việt Nam. Những câu chuyện hậu trường về khâu tổ chức được tiết lộ càng khiến khán giả tò mò và hy vọng vào một đêm nhạc mang đẳng cấp quốc tế. Trước đây, để thưởng thức buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nước ngoài, nhiều khán giả Việt Nam vẫn phải mua vé tới Singapore, Indonesia hay Thái Lan để vừa xem show, vừa kết hợp du lịch.
Tuy nhiên, Kenny G lại là nghệ sĩ quốc tế đầu tiên chọn Việt Nam là điểm đến quan trọng trong tour diễn thế giới, với những đòi hỏi khắt khe cả về âm thanh, sân khấu lẫn chất lượng dịch vụ như khi lưu diễn ở Mỹ hay châu Âu.
Dù vậy, đơn vị tổ chức là VP Bank đối mặt với những thử thách không nhỏ khi thời điểm này, khán giả đang có quá nhiều “món ăn” để lựa chọn, nhất là khi Đại nhạc hội Monsoon diễn ra chỉ trước đó vài ngày. Tuy nhiên, nếu như Monsoon hướng tới đối tượng khán giả trẻ thì đêm nhạc của Kenny G hướng đến đối tượng doanh nhân và những người “sành” nhạc quốc tế.
Trước sự lo ngại việc Kenny G đã trở nên lỗi thời bởi đỉnh cao của ông đã qua hơn 20 năm, đại diện Ban tổ chức cho rằng nhạc của Kenny G không phân chia thế hệ hay trình độ thưởng thức. Dù không còn ở thời đỉnh cao và có thể đã trở thành hoài niệm, nhạc của ông là thứ hoài niệm liên tục. Nhiều khán giả trẻ hôm nay khi nghe Kenny G cũng sẽ có những cảm xúc hệt như thế hệ đi trước. Đó chính là đẳng cấp đưa nghệ sĩ saxophone người Mỹ lên thành huyền thoại - một người nắm giữ ngôi vị số một về nhạc khí mà đến giờ, khi đã 60 tuổi, vẫn chưa một ai có khả năng thay thế ông.
Đơn vị tổ chức - VPBank - đến nay vẫn được coi là một đơn vị “liều mình” khi tiếp tục mời Kenny G đến Việt Nam. Cách mà ngân hàng này kiên định mục tiêu theo đuổi và sẵn sàng đầu tư cho nghệ thuật đẳng cấp khiến nhiều khán giả bắt đầu tin VPBank sẽ vẫn dấn thân vào con đường của một “người chơi nghệ thuật” chứ không phải kẻ bán – mua đầy toan tính.
Tại Việt Nam, những show diễn gần đây của các nghệ sĩ quốc tế đều có giá vé dao động từ 800.000 đồng đến 4 triệu đồng - mức giá khá hợp lý. Tuy nhiên theo điều tra của nhiều đơn vị sản xuất, khán giả Việt Nam không quan tâm đến việc giá vé cao hay thấp so với trong vùng mà là mức giá đó có phù hợp với túi tiền của mình hay không.
Một số lượng không nhỏ khán giả có quan niệm show quốc tế thì giá vé sẽ “ngất ngưởng” và không tỏ ra hào hứng tìm mua. Ngoài ra, thói quen bỏ tiền xem show chưa hình thành trong một bộ phận lớn khán giả vốn đã gắn với thói quen tìm kiếm cơ hội xin vé hoặc tìm cách được mời. Dù vậy, vẫn có nghịch lý là khán giả Việt sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua vé xem các show ca nhạc của các ngôi sao giải trí Việt. Điển hình như show cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng có giá lên đến 5 triệu đồng mà vẫn cháy vé.
Có thể thấy không hẳn mức giá vé của các show quốc tế không phù hợp với khả năng chi trả của khán giả Việt Nam mà chỉ đơn giản trong phạm vi chuyện thích hay không thích của mỗi cá nhân. Show diễn Kenny G đánh dấu kỷ lục đầu tiên về lượng vé bán ra khi chỉ trong vòng 5 ngày đã bán được hơn 2.000 vé. Cho dù ban tổ chức đã đặt ra khá nhiều mức vé, trong đó có những loại vé khá “mềm” từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng nhưng lượng vé có mức giá từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng mới là những vé “cháy” đầu tiên. Thậm chí, những cặp vé supervip có giá tới 20 triệu đồng cũng đã được người sành nhạc đặt mua từ sớm.
Dù đơn vị tổ chức VPBank không tiết lộ mức phí tổng của chương trình, giới thạo tin khẳng định dẫu có bán hết sạch vé cũng vẫn... lỗ như thường. Câu hỏi đặt ra là nếu biết trước là lỗ tại sao vẫn làm? Đại diện tổ chức tuyên bố rằng việc mời các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam nhằm thực hiện cam kết mang đến sự “thịnh vượng tinh thần” bên những thịnh vượng vật chất và cao hơn nữa là cho công chúng yêu nhạc Việt Nam.
Đại diện IB Group Việt Nam, đơn vị thực hiện đêm diễn, khẳng định nỗ lực của các bên khi đưa ra mức giá vé phù hợp nhất cho khán giả để ai cũng có cơ hội gặp thần tượng là nỗ lực phi thường trong điều kiện thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Cả VPBank và IB Group đều mong mỏi đem đến trải nghiệm “thưởng thức âm nhạc” thực thụ cho khán giả Việt Nam. Điều này cho thấy sự thành công của những show diễn quốc tế tại Việt Nam không chỉ là danh tiếng của nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm và mục tiêu của nhà tổ chức có thực sự lấy khán giả làm trọng tâm hay không.
Sau Richard Clayderman, người yêu nhạc Việt dường như được tiếp thêm hy vọng và mong tiếp tục được “diện kiến” những huyền thoại âm nhạc thế giới bằng xương bằng thịt và với phong độ bất chấp tuổi tác. Sự chuẩn bị công phu và sức hấp dẫn đến từ Kenny G giống như một cú hích, khiến khán giả có quyền mơ vào một ngày thị trường Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng”, trở thành “điểm nóng” của các huyền thoại âm nhạc thế giới.
Lan Anh