Mẹ bé mang bầu đến tuần thứ 28 thì trở dạ và sinh đôi gái tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cả hai cháu đều yếu ớt, nhẹ cân. Hiện một cháu được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, còn bé này bác sĩ chẩn đoán còn ống động mạnh trên trẻ đẻ non, chỉ nặng một kg, yếu, tím tái sơ sinh, suy hô hấp, tuần hoàn... Bé được hồi sức tích cực, thở máy, nuôi dưỡng trong lồng ấp và điều trị đóng ống động mạch bằng thuốc. Sau khoảng hai tuần điều trị, bé vẫn suy tim, suy hô hấp, không tăng cân... chuyển về Bệnh viện Tim Hà Nội tuần trước. Sáng 15/10, các bác sĩ phẫu thuật ống động mạch với kỹ thuật mổ không xâm lấn vào buồng tim.
"Phẫu thuật đóng ống động mạch không quá phức tạp về kỹ thuật nhưng bé còn quá nhỏ, sợ cháu mất thân nhiệt, suy hô hấp, chúng tôi không thể di chuyển sang phòng mổ được mà phải thực hiện ngay trong phòng Hồi sức nhi", bác sĩ Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng kíp phẫu thuật, phụ trách Khoa phẫu thuật Tim mạch trẻ em, nói.
Theo bác sĩ Hùng, bình thường khi trẻ đẻ ra thì ống động mạch sẽ tự động đóng lại. Nếu không đóng lại, các bác sĩ sẽ dùng thuốc để giúp đóng ống. Trẻ đáp ứng thuốc sẽ tự đóng ống sau 1-2 tuần, song với trường hợp không đóng được, bác sĩ can thiệp tim mạch để đóng ống.
Với bé này, dị tật còn ống động mạch với kích thước ống động mạch quá lớn, chèn ép khiến giãn buồng tim trái. Dùng thuốc không hiệu quả, phẫu thuật là giải pháp bắt buộc.
"Nếu không can thiệp phẫu thuật thời điểm này, bé có nguy cơ suy tim, suy hô hấp... ảnh hưởng tính mạng", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, phụ trách Đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết hiện sau hai ngày phẫu thuật, bé đã được rút nội khí quản (không phải thở máy), ăn sữa tiêu hoàn toàn (không phải nuôi dưỡng tĩnh mạch), các thông số mạch, huyết áp, ôxy... trong giới hạn bình thường, tim phổi tiến triển tốt.
Trẻ sinh non, nhẹ cân bị bẩm sinh còn ống động mạch không phải là các trường hợp hiếm gặp. Mỗi năm, Bệnh viện Tim Hà Nội can thiệp khoảng 10 trường hợp và tỷ lệ thành công là 100%. Trường hợp nhẹ cân nhất là cháu bé sinh non chỉ nặng 0,8 kg vào năm ngoái.
Bác sĩ cho biết với những trẻ đã được phẫu thuật tim bẩm sinh cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt sau phẫu thuật. Thường xuyên cho trẻ tái khám định kỳ cho tới khi sức khoẻ trẻ hoàn toàn ổn định.
Các bà mẹ mang thai cần tuân thủ sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý và sẵn sàng xử trí khi có vấn đề. Sàng lọc sau sinh cho trẻ chào đời đủ tháng hoặc non tháng bằng các xét nghiệm, thăm dò chức năng (siêu âm tim, điện tim) nhằm phát hiện, theo dõi, mổ sớm khi có chỉ định.