Sáng 29/11, với 459/462 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua đạt một số kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội cũng đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Quốc hội cho rằng kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí. Việc dừng thực hiện các chính sách ưu tiên với xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), khu vực II (xã còn khó khăn) khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân mới thoát nghèo, cận nghèo.
Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng. Một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện.
"Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế", báo cáo nêu.
Vì vậy, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ cần xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo thủ tục rút gọn.
Quốc hội cũng quyết nghị cho phép số vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.
Hiện nay, để đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các xã cần đạt 19 tiêu chí, trong đó có quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều...
Tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai có các nội dung: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, chỉ tiêu chung là từ 48 triệu đồng/người trở lên; trong đó vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ từ 39 triệu đồng, đồng bằng sông Hồng từ 53 triệu đồng, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên từ 44 triệu đồng, Đông Nam Bộ từ 62 triệu đồng, đồng bằng sông Cửu Long từ 53 triệu đồng.
Thời gian qua có tình trạng xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn không phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Nguyên nhân là nếu đạt chuẩn, không còn là xã đặc biệt khó khăn, người dân sẽ không được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.