Năm nay, Hội đồng quản trị Sữa Quốc Tế dự kiến doanh thu thuần tăng 14% lên mức 5.500 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại đi lùi khoảng 45% về mức hơn 570 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty cho biết, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của đại bộ phận người dân. Sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng cũng bị giảm nhu cầu, mức tiêu thụ ngành sữa trong năm 2021 đã giảm 7%.
Về phía người tiêu dùng, protein thay thế như các loại sữa hạt đã được chú ý nhiều hơn khi người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống. Điều này đòi hỏi ngành sữa tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật, mở rộng quy mô trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Sữa Quốc Tế đánh giá doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị với sản phẩm phù hợp nhu cầu thị hiếu để tăng trưởng thị phần và doanh thu.
Kế hoạch trên rất khiêm tốn sau khi chủ thương hiệu sữa Love in Farm có một năm kinh doanh "lột xác". Sữa Quốc Tế ghi nhận 4.827 tỷ đồng doanh thu và 1.042 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 26% và gần gấp đôi so với năm 2020. Đây là năm đầu tiên công ty ghi nhận lợi nhuận cán mốc nghìn tỷ. Riêng quý IV/2021, biên lợi nhuận gộp đạt gần 45%. Đây là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp và cao hơn các đối thủ lớn trong ngành như Vinamilk (khoảng 42,5%) và Mộc Châu Milk (gần 32%).
Thành tích trên được Sữa Quốc Tế xác lập chỉ 2 năm sau cuộc "đổi chủ". Trước đó, doanh nghiệp này liên tiếp kinh doanh bết bát, lợi nhuận eo hẹp hoặc thua lỗ triền miên kể từ năm 2014. Trong đó, năm 2017 là năm lỗ nặng nhất của công ty với gần 300 tỷ đồng. Dần dà, IDP bắt đầu cải thiện kết quả kinh doanh và tăng trưởng bứt tốc trong năm 2020.
Thời điểm đó, VinaCapital và Daiwa bán hết vốn tại Sữa Quốc Tế. Công ty đón các cổ đông mới gồm Chứng khoán Bản Việt, Lothamilk và Blue Point, cùng một vài cổ đông cá nhân chủ chốt. Đến đầu năm ngoái, Lothamilk thoái toàn bộ cổ phần, bên mua vào là Gold Field International.
Tuy đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thấp, Sữa Quốc Tế vẫn có triển vọng tăng trưởng khi công ty dồn nguồn lực xây dựng các nhà máy trong năm nay. Lãnh đạo công ty muốn góp 2.800 tỷ đồng cho dự án chi nhánh Bình Dương. Ngoài ra, hai dự án Củ Chi và Ba Vì vốn chỉ để chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, nay bổ sung thêm sản xuất đồ uống không cồn và nước khoáng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IDP nhiều ghi nhận sắc xanh suốt nhiều phiên qua. Đóng cửa phiên 18/3, thị giá mã này đạt 160.000 đồng một đơn vị, tăng đến 12,6% chỉ trong một ngày. Mã IDP chỉ mới niêm yết vào đầu năm ngoái nhưng thị giá cổ phiếu đã tăng hơn 3 lần so với ngày giao dịch đầu tiên.
Tất Đạt