Sau scandal trứng bẩn tại châu Âu, bê bối sữa bột trẻ em nhiễm khuẩn salmonella của Lactalis khiến người dân toàn thế giới lo ngại. Theo AFP, ngày 14/1, giám đốc điều hành Lactalis là Emmanuel Besnier đã thừa nhận hãng này phải thu hồi hơn 12 triệu hộp sữa tại 83 quốc gia.
Cách đó hai ngày, ông Besnier được triệu tập tới Bộ Tài chính Pháp. Vị giám đốc tuyên bố sẽ bồi thường cho mọi gia đình mua phải sữa nhiễm khuẩn salmonella đồng thời ưu tiêu giải quyết hậu quả đối với những khách hàng tiêu thụ sữa mà cụ thể là trẻ dưới sáu tháng tuổi. "Đây là bê bối vô cùng nghiêm trọng đối với cả tập đoàn lẫn bản thân tôi", ông Besnier nói.
Trước đó, vào tháng 12/2017, hàng chục em nhỏ đổ bệnh sau khi uống sản phẩm sữa bột Picot và Milumel của Lactalis. Đến nay, giới chức Pháp đã ghi nhận 35 ca nhiễm khuẩn salmonella do sữa bột hiệu Lactalis, trong đó một bé ở Tây Ban Nha và một bé ở Hy Lạp. Tuy nhiên, hiệp hội đại diện các nạn nhân khẳng định con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Hiện Lactalis phải đối mặt với hàng trăm đơn kiện.
Salmonella là vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm. Sau 12-72 giờ nhiễm khuẩn, phần lớn bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau quặn bụng và tiêu chảy. Một số trường hợp cần nhập viện do tiêu chảy diễn biến trầm trọng, vi khuẩn truyền từ ruột vào máu rồi phát tán tới các vị trí khác trong cơ thể. Salmonella có thể gây tử vong nếu không được kịp thời điều trị bằng kháng sinh.
Thành lập từ năm 1933 bởi ông của Besnier, Lactalis đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới với doanh thu hàng năm đạt khoảng 17 tỷ euro và 246 cơ sở sản xuất đặt ở 47 quốc gia khắp thế giới.
Tháng 1/2018, tờ báo Le Canard Enchaine của Pháp phát hiện sữa tại cơ sở Craon Lactalis nhiễm khuẩn salmonella dù trước đó được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Tại Việt Nam, từ ngày 12/12, Cục An toàn thực phẩm cùng Bộ Y tế đã đề nghị ngừng tiêu thụ và sử dụng tám lô sản phẩm dinh dưỡng của Lactalis để rà soát, kiểm nghiệm vi khuẩn salmonella agona.