Ý tưởng của ba nữ sinh Nguyễn Khánh Nga, Đỗ Phương Linh và Đinh Huỳnh Bảo Vi, lớp 10 chuyên sinh được Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo tế bào gốc (Stem Cell Innovation) đánh giá cao bởi nếu thành công là cơ sở quan trọng xây dựng ngân hàng sữa mẹ từ tế bào gốc.
Khánh Nga, trưởng nhóm cho biết, nhóm bắt tay vào nghiên cứu từ tháng 9 với mong muốn phát triển sữa nhân tạo từ tế bào gốc nhằm giúp nhiều phụ nữ không có sữa sau khi sinh, hoặc người bị mắc bệnh ung thư, HIV vốn không thể cho con bú. Các nghiên cứu khác trước đó cũng cho thấy, các bà mẹ hiện đại dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí trầm cảm vì phải thức đêm chăm con. Nhiều người ngại ảnh hưởng đến vóc dáng khi phải duy trì chế độ ăn đặc biệt thời gian dài để có sữa. Tuy nhiên, "sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất, vì thế nhóm xây dựng quy trình tạo sữa nhân tạo từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm", Nga nói.
Nhóm thực hiện bốn bước để làm sữa nhân tạo với công đoạn đầu tiên là thu mô mỡ từ cơ thể bệnh nhân khỏe mạnh, đạt chuẩn. Từ dịch hút mỡ, nhóm thu thập tế bào gốc mô mỡ ASCs, sau đó tiến hành nuôi cấy tăng sinh, sàng lọc và biệt hóa ASCs thành các phế nang tuyến vú để nuôi trên giá thể. Các tế bào phế nang tuyến vú được cung cấp chất dinh dưỡng có trong máu để kích thích tạo sữa mẹ trong môi trường nuôi cấy, rồi tiếp tục bổ sung chất dinh dưỡng khác để tạo ra sữa nhân tạo.
Đánh giá ý tưởng, PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào Gốc, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, quy trình của nhóm là hoàn toàn có cơ sở khoa học và có thể thực hiện trong thực tế với khả năng thành công cao.
Ông cho rằng, nhóm đã xây dựng quy trình với cấu trúc rất giống với tuyến sữa trong cơ thể người và tế bào tuyến vú này có thể tiết ra sữa hoàn toàn giống sữa người. Tuy nhiên, một số thành phần kháng thể trong sữa sẽ không có vì nó được tạo ra từ các tế bào miễn dịch. "Nhóm chỉ mới đưa ra được ý tưởng và cần thời gian thực hiện nhiều trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để nhóm làm các bước tạo sữa từ tế bào gốc theo quy trình mà các em đã xây dựng", PGS Phúc nói.
Sáng tạo tế bào gốc là cuộc thi thường niên do Viện Tế bào Gốc, Đại học Quốc gia TP HCM phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức từ năm 2014. Cuộc thi nhằm phát hiện, ươm mầm những nhà khoa học trẻ là học sinh, sinh viên, học viên cao học đam mê nghiên cứu lĩnh vực tế bào gốc.
Cuộc thi năm nay thu hút 500 học sinh, sinh viên của 37 trường THPT và đại học tham gia để chọn 12 dự án tham gia chung kết. Dự kiến từ năm 2023, Viện Tế bào Gốc ra mắt chương trình Starup With Us (Khởi nghiệp cùng chúng tôi) với mục tiêu hợp tác với các dự án khởi nghiệp tế bào gốc phát triển thành các công ty spin - off (doanh nghiệp khởi nguồn) để phát triển các ý tưởng khởi nghiệp thành sản phẩm cụ thể, thương mại hóa.
Hà An