PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhi khoa Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích giúp các ông bố bà mẹ phòng ngừa và điều trị dị ứng cho con của mình.
- Con em vừa bị dị ứng hen phế quản, vừa dị ứng viêm da cơ địa (chàm má khô). Nhờ bác sĩ tư vấn hướng điều trị và phòng ngừa tái phát cho bé? Xin cám ơn (Hoàng Linh, 35 tuổi, Biên Hòa)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn.
Đây là hai dạng dị ứng khá thường gặp ở trẻ em. Viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ nhỏ và là yếu tố nguy cơ cho các dạng dị ứng sau này. Bạn nên cho bé đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm xem bé dị ứng với yếu tố nào, rồi từ đó có hướng điều trị và phòng ngừa thích hợp (phòng ngừa thứ phát tức là khi dị ứng đã xảy ra rồi). Trong trường hợp nếu bạn sẽ có thêm em bé trong tương lai, thì nên tham khảo những biện pháp phòng ngừa tiên phát (tức là phòng ngừa khi dị ứng chưa xuất hiện) sẽ được trình bày trong những câu trả lời kế tiếp.
- Tôi có một cháu gái 4 tuổi và một cháu trai một tuổi. Cứ khi nào thay đổi thời tiết, giao mùa là hai cháu hay bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, ban đêm phải dậy 2-3 lần vì bé quấy. Tôi có nhỏ nước muối sinh lý 0,9% 2-3 ngày thì thấy đỡ hoặc dùng nước biển sâu. Tôi cũng thường xuyên rửa tay cho các cháu, vệ sinh nhà cửa hàng ngày, chỗ ở thông thoáng. Xin hỏi bác sĩ cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng này. Xin chân thành cảm ơn. (Cong Quoc, 39 tuổi, Hà Nội)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn.
Với những triệu chứng bạn kể, có thể 2 cháu mắc viêm mũi dị ứng, là một trong những dạng bệnh dị ứng thường gặp ngày nay. Nguyên nhân do cơ địa 2 cháu đã nhạy cảm sẵn, khi gặp một yếu tố mà 2 bé dị ứng (thường là các yếu tố trong môi trường xung quanh như bụi bặm, nấm mốc, phấn hoa hay thay đổi thời tiết) thì các cháu sẽ nhảy mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, khó thở và nhiều triệu chứng đi kèm khác. Điều quan trọng là phải xác định các bé dị ứng với yếu tố nào xung quanh mình. Chúng ta có thể tìm hiểu bằng các kiểm tra có thể làm tại các bệnh viện hay phòng khám có chuyên khoa dị ứng (TP HCM có bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện Da liễu, Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo...). Khi biết được yếu tố này, chúng ta sẽ phòng tránh bằng các biện pháp thích hợp, hoặc ngược lại, tập cho bé “làm quen” dần với các yếu tố đó.
Xử trí như bạn hiện tại là hợp lý. Đó là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh nhà cửa phòng ốc, giữ cho thông khí thoáng đãng trong nhà. Ra đường thì bạn nên chịu khó cho con mang khẩu trang, giữ ấm cho con khi trời trở lạnh. Khi có triệu chứng thì nhỏ mũi, xịt mũi đúng cách giúp cho bé dễ chịu. Trong một số trường hợp nghẹt mũi, chảy mũi nhiều thì cần khám bác sĩ để dùng thuốc thích hợp.
- Cho tôi hỏi là dị ứng là do di truyền, bẩm sinh nên chỉ có thể điều trị chứ không phòng ngừa được đúng không ạ? (Nguyễn Hồng Phúc, Tp.HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào Phúc.
Câu hỏi của bạn rất lý thú. Đúng là dị ứng có liên quan nhiều đến di truyền. Nếu trong gia đình, càng có nhiều thành viên bị dị ứng thì nguy cơ dị ứng của những bé sắp ra đời là rất cao. Tuy nhiên, ngay cả khi không có ai trong gia đình bị dị ứng thì bé cũng có nguy cơ tương đối thấp là 15%. Vậy dị ứng "không chừa một ai". Ngoài yếu tố di truyền ra, môi trường cũng là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra dị ứng. Ví dụ: tiếp xúc với khói thuốc trong khi mang thai làm tăng nguy cơ hen suyễn ở con, cho bé uống sữa bò quá sớm làm tăng nguy cơ dị ứng đạm sữa bò và chàm ở trẻ...
Khoa học ngày nay đã chứng minh có thể phòng ngừa dị ứng từ rất sớm, ngay trong bụng mẹ hoặc khi mới sinh ra đời. Chúng ta nên áp dụng để giảm thiểu nguy cơ dị ứng cho bé.
- Bác sĩ cho em xin hỏi, lúc nhỏ em bị dị ứng với nhiều loại thức ăn như tôm cua. Sau này lớn em không còn dị ứng với những thức ăn đó nữa ngoại trừ dị ứng với tôm. Hiện nay em có thai được 4 tháng, vậy con em có thể bị dị ứng như em không? Nếu có thì có tự hết được không? Chân thành cảm ơn bác sĩ. (Mai Anh, 30 tuổi, Long An)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn.
Nếu bạn có tiền căn dị ứng, chồng bạn không dị ứng thì khả năng sau này cháu bé bị một loại dị ứng nào đó là 20-40%. Nếu chồng bạn cũng dị ứng thì nguy cơ sẽ tăng lên thành 50-80%. Đó chỉ là nguy cơ nhiều hay ít, chứ không chắc là bé sẽ bị, và nếu bị thì không hẳn là sẽ dị ứng với tôm.
Hiện nay chúng ta có thể phòng ngừa dị ứng sau này cho các bé ngay từ khi chúng ta mang thai, bằng những biện pháp ăn uống hợp lý. Các khuyến cáo khuyên rằng nên ăn uống đầy đủ, đa dạng khi mang thai chứ không nên kiêng cữ một loại thức ăn nào, trừ trường hợp trước đây người mẹ biết mình dễ dị ứng với một loại thức ăn nào đó (trong trường hợp của bạn là tôm). Vậy bạn đừng lo nghĩ gì, ăn uống cho đầy đủ chất cho bé (trừ tôm), khám thai định kỳ đầy đủ cho thai kỳ khỏe mạnh. Khi bé ra đời, hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất là 6 tháng đầu thì sẽ giúp bé giảm thiểu khá nhiều nguy cơ dị ứng sau này.
- Cháu nhà tôi được 4 tuổi, nặng 28 kg, cao 1m18. Cháu mạnh khỏe bình thường. Tuy nhiên, cháu hay bị dị ứng ở da. Khi có muỗi cắn, thậm chí mặc quần áo mới hay xước nhẹ khi chơi, vết rất lâu lành và sưng đỏ, ngứa. Nặng hơn có những vết còn sưng mủ nước. Cháu giống bố hay ra mồ hôi nhiều. Vậy cháu đang bị dị ứng da hay do mồ hôi nhiều ạ. Tôi và bố cháu đều không bị dị ứng da, thậm chí da tôi còn rất lành. Xin bác sĩ tư vấn? (Cẩm Tú, 24 tuổi, Kiên Giang)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào chị Cẩm Tú.
Triệu chứng của bé khá giống với cơ địa bệnh chàm, là một dạng dị ứng biểu hiện ngoài da. Chị nên cho bé đi khám bác sĩ chuyên về dị ứng hoặc da liễu để có chẩn đoán chính xác. Nếu là chàm thì bác sĩ sẽ có những lời khuyên về cách chăm sóc da hàng ngày thế nào, cách phòng ngừa triệu chứng tái đi tái lại ra sao. Khoảng 25% trẻ em mắc chàm trong những năm đầu đời, biểu hiện rất đa dạng và khi lớn lên có thể giảm bớt những cũng có thể tồn tại lâu dài hoặc chuyển sang các dạng dị ứng khác (viêm mũi dị ứng, hen suyễn, …).
- Nếu phát hiện muộn, dị ứng sẽ gây ra những tác hại gì, thưa bác sĩ? (Hong Ngoc, 30 tuổi, TP HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn,
Nếu dị ứng diễn ra lâu dài sẽ có hai dạng tác hại sau:
- Tác hại trước mắt: sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Ví dụ mỗi khi "trái gió trở trời", những bé bị viêm mũi dị ứng sẽ liên tục bị nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu... Trường hợp này bé phải đi khám bác sĩ hoặc bé sẽ nghỉ học. Hay khi bé bị chàm, bé sẽ thường xuyên bị ngứa ngáy, phải gãi, tối khó ngủ, phải dùng thuốc lâu dài. Hoặc nếu bé bị dị ứng với thức ăn nào đó thì bé sẽ phải tránh ăn loại thức ăn này, do đó bé sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn thức ăn.
- Tác hại lâu dài: những trường hợp dị ứng cần phải sử dụng thuốc lâu dài hoặc ăn uống kiêng khem, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ hoặc có thể chịu những tác dụng phụ của thuốc.
- Thưa bác sĩ, em đang mang thai được 3 tháng. Em bị hen suyễn nhẹ. Em nghe nói có thể sẽ di truyền cho con. Vậy làm sao em biết được cháu có bị dị ứng, biểu hiện sớm của dị ứng là như thế nào để em có thể nhận biết. Và em có thể làm gì từ bây giờ để con không bị dị ứng? (Kim Phung, 33 tuổi, TP HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Hiện nay, cách xác định bé sau này nguy cơ bị các bệnh dị ứng là nhiều hay ít dựa vào câu hỏi “Cha, mẹ và các anh chị em của bé có tiền căn bị dị ứng không?”, trong đó, tiền căn dị ứng gồm dị ứng với thức ăn, chàm da, hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Nếu có 2 thành viên trong gia đình có tiền căn dị ứng thì bé sẽ có nguy cơ cao cũng bị, từ 50-80%. Nếu chỉ có một thành viên trong gia đình, nguy cơ của bé là 20-40%. Nếu gia đình không có ai mắc dị ứng, bé vẫn có nguy cơ nhưng thấp thôi, khoảng 10-20%.
Lưu ý là chỉ hỏi các thành viên thân cận như đã nói ở trên, không nhất thiết phải hỏi đến ông bà, cô cậu. Ngày nay, để đơn giản, người ta đã sáng tạo ra bộ kiểm tra nguy cơ dị ứng dựa trên câu hỏi trên, làm đơn giản và rõ ràng. Chỉ trả lời câu hỏi chứ không xét nghiệm gì cả. Chỉ khi nào đã bị dị ứng, muốn biết dị ứng với yếu tố nào thì khi đó mới xét nghiệm.
Về nguyên tắc phòng ngừa dị ứng cho bé, bạn có thể tham khảo thêm ở những câu trả lời trên.
- Hiện nay tôi có con gái được 3 tuổi. Cháu được chẩn đoán bị dị ứng với đạm sữa bò từ lúc sinh. Tôi mất sữa từ khi cháu được 2 tháng rưỡi. Từ nhỏ đến nay cháu vẫn còn đang uống sữa đậu nành. Tôi đã thử cho cháu chuyển sang sữa bò nhiều lần nhưng vẫn không được. Cháu thường bị nổi mẩn đỏ như rôm sảy, đôi khi kèm theo mủ. Lúc ngủ khò khè, khi còn nhỏ cháu bị nứt và khô da mặt. Bác sĩ có thể tư vấn cho tôi biết khi nào bé sẽ hết bị dị ứng như hiện nay hay không, tôi có thể đem con đến khám theo đúng bệnh của cháu ở bệnh viện nào có khoa khám bệnh chuyên trị dị ứng như trên không? (Phạm Thị Hồng Ngọc, 28 tuổi, Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào Ngọc,
Thông thường, ở thời điểm 3 tuổi thì 87% những em dị ứng đạm sữa bò đã uống sữa bò được trở lại. Vậy bé nhà bạn thuộc 13% còn lại vẫn còn nhạy cảm với đạm sữa bò. Cứ mỗi 6 tháng, chúng ta sẽ thử xem bé đã dung nạp được với sữa bò hay chưa. Bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế để thử uống sữa bò trở lại chứ không nên tự làm tại nhà vì bé có thể có những phản ứng phản vệ rất nguy hiểm. Ngoài ra, bạn nên cho bé khám tại các bác sĩ chuyên dị ứng để tìm xem ngoài đạm sữa bò ra, bé còn dị ứng với các yếu tố nào khác hay không. Nếu tại TP HCM, bạn có thể đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2, Bệnh viện Đại học Y Dược, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo...
- Tôi được biết là đạm whey có thể giúp con giảm được dị ứng. Mong bác sĩ giải thích kỹ hơn về việc này, vì sao đạm whey lại giảm dị ứng? Như vậy các loại đạm từ thịt, cá hay đậu có tốt không thưa bác sĩ? (Hong Phuc, 39 tuổi, Gia Lai)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Nhìn chung, đạm là chất cần thiết cho cơ thể, tham gia vào việc hình thành cấu trúc cơ thể và đạm có mặt trong hầu hết các hoạt động diễn ra bên trong cơ thể chúng ta. Đạm từ sữa hay từ thịt, cá trứng đều có nguyên tắc cấu tạo chung và đều có cái tốt riêng, dù đặc điểm có khác nhau. Riêng ở trẻ em, dị ứng có thể xảy ra từ rất sớm, ngay trong những ngày tháng đầu tiên và cách phòng ngừa hữu hiệu hiện nay dựa trên nguyên lý dinh dưỡng hợp lý trong khi mẹ mang thai và trong những ngày tháng đầu đời của bé. Ở giai đoạn này, hầu như bé chỉ uống sữa và nếu bé không được bú mẹ mà cho uống sữa khác như sữa bò chẳng hạn, thì đường tiêu hoá non nớt của bé sẽ phải tiếp xúc với một lượng đạm “lạ” khổng lồ, là điều kiện thuận tiện để dị ứng bột phát, nhất là trên cơ địa những bé đã có sẵn nguy cơ dị ứng cao.
Sữa khi để lắng xuống sẽ hình thành 2 lớp: một lớp nước trong chứa đạm whey dễ hòa tan và lớp còn lại chứa đạm casein khó hòa tan. Khi những loại đạm này được cắt nhỏ ra (chuyên môn gọi là thủy phân) thì nó sẽ giảm tính sinh dị ứng (trong khi sữa mẹ không cần như vậy).
Đã có nhiều nghiên cứu về khả năng phòng ngừa dị ứng của cả đạm whey và casein, cả thủy phân một phần (cắt nhỏ vừa phải) và thủy phân tích cực (cắt nhuyễn). Kết quả cho thấy nếu không có sữa mẹ thì sử dụng đạm whey 100% thủy phân một phần và đạm casein 100% thủy phân tích cực trong những ngày tháng đầu đời sẽ giúp bé giảm nguy cơ dị ứng nói chung sau này, đặc biệt là bệnh chàm.
Vậy tóm lại, đạm từ nguồn nào cũng có cái hay của nó và cần cho cơ thể. Nhưng nếu để phòng ngừa dị ứng thì nên cho bé bú mẹ hoàn toàn sau khi sinh, ít nhất là trong 6 tháng đầu. Nếu không có sữa mẹ thì công thức dinh dưỡng chứa đạm whey thủy phân một phần, là loại đạm mà bạn nhắc đến ở trên, có tác dụng giảm dị ứng cho bé sau này khoảng 50%, nhất là bệnh chàm. Hiện nay, công thức dinh dưỡng có đạm whey thủy phân một phần được Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo ưu tiên lựa chọn hơn vì mùi vị dễ uống hơn đạm casein thủy phân tích cực và giá thành cũng mềm hơn.
- Con tôi được 2 tuổi, thời tiết đang chuyển mùa nên tôi tăng cường ủ ấm cơ thể trẻ. Khi đi ra ngoài, tôi cho con mặc quần áo dài tay, đội mũ nón, khăn quàng cổ và hạn chế đưa bé ra ngoài khi không cần thiết. Tuy nhiên, bé lại xuất hiện tình trạng nổi mẩn trên da, ngứa. Thưa bác sĩ, đây là biểu hiện khác của dị ứng thời tiết hay do cháu mặc quá nhiều quần áo? Xin bác sĩ cho biết cách phân biệt và chữa trị. Cảm ơn bác sĩ. (Tran Le, 35 tuổi, Vĩnh Phúc)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào chị.
Nổi mẩn da ngứa ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, nhưng qua những thông tin trên tôi cũng hướng về ý nghĩ bé bị dị ứng với một yếu tố gì đó. Có rất nhiều “yếu tố lạ gây dị ứng” trong môi trường mà các nhà chuyên môn gọi là “dị nguyên”. Lạ đối với những người dị ứng với nó thôi, chứ thực ra đây là những yếu tố quen thuộc xung quanh ta mỗi ngày. Nó có thể là những thứ trong nhà như bụi bặm, các con mạt nhỏ li ti sống trong thảm hay giường ngủ, nấm mốc trong những cây gỗ trong nhà hay trong máy lạnh… Nó cũng có thể là các yếu tố ngoài đường như phấn hoa, cây cỏ, bụi từ những khói xăng xe bay ra, hoặc là thời tiết lạnh hay chuyển mùa…
Vậy trường hợp của bé muốn tìm hiểu phải khám trực tiếp, hỏi thật kỹ những yếu tố bé tiếp xúc hàng ngày rồi thử loại trừ dần từng yếu tố một mới biết được bé dị ứng với yếu tố nào. Chị có thể đưa bé đến các bác sĩ chuyên về dị ứng, da liễu hoặc bác sĩ nhi khoa.
- Con tôi rất dễ bị dị ứng với thực phẩm (hiện tại tôi phát hiện thấy con bị dị ứng với đậu phộng, sữa tươi). Bác sĩ có thể tư vấn thêm những loại thực phẩm nào dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ được không ạ? (Lê Thị Yến Phi, Tp.HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn,
Thức ăn là một trong những nguyên nhân gây dị ứng thường gặp, nhất là ở những trẻ nhỏ. Các dạng thức ăn thường hay gây dị ứng nhất là: trứng, sữa, hải sản, các loại đậu (đậu phộng, hạt dẻ...). Ngoài ra, mỗi một bé có thể dị ứng với những loại thức ăn khác nhau. Ví dụ, có bé dị ứng với rau củ, có bé dị ứng với đậu nành... Vậy muốn biết bé dị ứng với loại thức ăn nào thì khi chúng ta cho bé ăn một loại thức ăn nào đó lần đầu tiên nên cho ăn liên tục trong 3 ngày và quan sát xem có những phản ứng gì xảy ra hay không (nổi mẩn đỏ, ngứa, sưng môi, sưng mặt, khò khè, tiêu chảy, nôn ói, tiêu ra máu...). Một cách khác để tìm tác nhân gây dị ứng là làm một số test như định lượng kháng thể IgE đặc hiệu hoặc test lẩy da.
- Thưa bác sĩ, tôi vừa sinh em bé được 3 tuần. Hiện nay tôi thấy nhiều bạn bè có con bị dị ứng quá. Đa số là ở da và hệ hô hấp. Tôi muốn phòng tránh cho con mình nên có hỏi thăm bạn bè và đọc trên Internet. Bạn tôi đang dùng sữa có chứa đạm whey thủy phân một phần NAN Optipro HA 3 có chứng minh là hỗ trợ bé giảm nguy cơ dị ứng. Bác sĩ có thể tư vấn thêm cho tôi về thông tin này không, tôi có nên sử dụng công thức đạm whey này cho bé của tôi? (Minh Nhu, 37 tuổi, Sóc Trăng)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn.
Trước tiên, tôi có lời khen bạn chịu khó tìm kiếm thông tin để nuôi bé tốt hơn. Đúng là ngày nay chúng ta phần nào có thể giảm nguy cơ dị ứng sau này cho trẻ bằng cách dinh dưỡng hợp lý trong những tháng năm đầu đời. Đây là một phần trong việc tạo lập nền tảng sức khỏe cho bé, cũng là xu hướng được khuyến khích là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng giúp giảm đáng kể các nguy cơ dị ứng như chàm da, khò khè tái diễn và dị ứng đạm sữa bò. Vậy tôi khuyên chị nên cho bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất đến 6 tháng và tiếp tục bú sữa mẹ sau đó. Nhưng trong trường hợp vì lý do nào đó chị không thể cho con bú sữa mẹ và cần bổ sung sữa ngoài thì có thể chọn các công thức dinh dưỡng thủy phân trong đó có đạm whey thủy phân một phần mà chị nhắc đến để giúp giảm nguy cơ dị ứng. Đây là loại đạm được dùng kỹ thuật cao để cắt nhỏ, nên giảm tính kích ứng, dễ tiêu hóa, hấp thu cho bé. Ngoài ra, đạm whey thủy phân một phần lại có vị dễ uống hơn nên bé dễ chấp nhận khi đổi từ sữa mẹ sang nên chị có thể chọn cho con công thức này. Các mẹ chỉ cần chú ý chọn sản phẩm từ thương hiệu uy tín, đáng tin cậy để đảm bảo chất lượng và đúng độ tuổi của con để bé hấp thu tốt nhất.
- Thưa bác sĩ, con tôi được 20 tháng tuổi. Cháu ăn uống khỏe mạnh. Tuy nhiên, cháu hay bị nổi rôm ngứa, thỉnh thoảng nặng hơn thì nổi đỏ và sưng nhẹ. Mẹ tôi có nói là do mùa hè hay cháu nóng nảy, nên pha thêm nước trà xanh hay khổ qua khi tắm cho bé. Tôi có thử, thấy bé đỡ nhưng không biết cách này có đúng và giải quyết được triệt để không? Bác sĩ tư vấn giúp cách phòng ngừa cho bé? (Thien Kim, 30 tuổi, Đồng Nai)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Rôm sảy là những nốt nhỏ, màu hồng đỏ, gờ lên mặt da, thường xuất hiện nhiều ở vùng giữa 2 bả vai, trước ngực và cổ. Rôm sảy sẽ rộ lên nhiều hơn vào mùa nóng, bé ra mồ hôi nhiều, làm bé ngứa và khó chịu. Nước khổ qua có tính thanh nhiệt. Tuy nhiên thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp vài trường hợp có những tai biến khi tắm với nước khổ qua như nhiễm trùng da hoặc bị phỏng. Hiện nay, các bác sĩ khuyên để bé trong môi trường mát mẻ, thoáng khí, thường xuyên lau sạch mồ hôi nếu bé chơi đùa ra mồ hôi nhiều. Tắm bé bằng các loại xà phòng tắm thông thường của trẻ nhỏ, hoặc một số loại dành riêng cho da nhạy cảm là được. Cho bé uống nhiều nước, ăn thêm trái cây mỗi ngày cũng giúp giảm rôm sảy.
- Tôi bị dị ứng từ bé với rất nhiều thứ: thịt bò, bột mì từ bé, lớn lên thì có thêm dị ứng thời tiết, và dị ứng rất nặng khi chuyển mùa. Hiện nay tôi trong giai đoạn cho con bú, tôi có di truyền cho con thông qua sữa mẹ không thưa bác sĩ? Nếu con tôi bị di truyền từ tôi thì có cách nào phòng cho bé? (Hạnh, 35 tuổi, Ha Noi)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào chị.
Khả năng sau này bé bị dị ứng là 20-40% nếu ba bé không dị ứng. Nếu ba bé hoặc anh chị của bé cũng dị ứng thì nguy cơ này tăng lên 50-80%. Vậy khả năng di truyền là có nhưng nếu có thì không phải qua sữa mà là có nguy cơ ngay từ khi bé hình thành trong bụng mẹ rồi. Ngược lại, người ta đã chứng minh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn giúp cho bé giảm một số nguy cơ dị ứng như chàm da, khò khè tái đi tái lại và dị ứng đạm sữa bò. Vậy chị hãy tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn để giảm thiểu nguy cơ dị ứng cho bé sau này và đừng sợ gen dị ứng sẽ “truyền” qua sữa mẹ. Đó là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Chúc bé khoẻ mạnh và phòng ngừa dị ứng thành công.
- Bác sĩ cho tôi hỏi những trẻ nào thì dễ bị dị ứng, phải chú ý đề phòng dị ứng? (Bùi Thị Hoa, 29 tuổi, Q.Gò Vấp, Tp.HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào Hoa,
Muốn biết trẻ dễ dị ứng hay không thì hỏi xem tiền căn gia đình như thế nào. Nếu ba hoặc mẹ có tiền căn bị dị ứng (một trong 4 biểu hiện sau đây: dị ứng với thức ăn, bệnh chàm, hen suyễn và viêm mũi dị ứng) thì bé có nguy cơ sau này bị dị ứng là 20-40%. Nếu cả ba và mẹ bị dị ứng thì nguy cơ của con tăng lên 50-80%. Nếu cả ba và mẹ bị cùng một loại dị ứng (cùng hen suyễn, cùng bị chàm...) thì khả năng sau này con bị đúng loại dị ứng đó là 70-80%. Tuy nhiên, nếu trong gia đình (cha mẹ và anh chị em ruột) không ai có tiền căn dị ứng thì trẻ vẫn có một nguy cơ tương đôi thấp là 15%.
Vậy dị ứng có thể xảy ra ở bất cứ ai với nguy cơ cao thấp khác nhau, nên việc đề phòng dị ứng phải được thực hiện với tất cả mọi người. Nếu dị ứng xảy ra rồi mới đề phòng thì gọi là "Phòng ngừa thứ phát". Còn nếu chủ động thực hiện khi dị ứng chưa xảy ra thì gọi là "Phòng ngừa tiên phát". Ngày nay, các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện phòng ngừa tiên phát ngay từ khi đang mang thai và bé lúc mới sinh ra đời.
- Thưa bác sĩ, con trai tôi 8 tuổi bị bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết. Cháu thường hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ngứa mũi khi thời tiết và nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột. Bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của cháu. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có phải bệnh mãn tính? Tôi có thể dùng các biện pháp gì để chữa bệnh cho cháu? (Hoang Dung, 35 tuổi)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào bạn,
Triệu chứng của bé gợi ý bé bị viêm mũi dị ứng. Đây đúng là một bệnh mạn tính. Viêm mũi dị ứng xảy ra do bé nhạy cảm với yếu tố nào đó trong môi trường như bụi, nấm mốc, lông chó mèo, thay đổi thời tiết, phấn hoa, khói thải từ xe cộ... Phải biết bé dị ứng với yếu tố nào thì mới phòng ngừa hiệu quả được. Chúng ta có thể biết dựa vào các test được thực hiện tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên về dị ứng - miễn dịch.
- Tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng nên bé có bị di truyền giống mẹ không? Có cách nào phòng ngừa bệnh dị ứng này giúp bé không ah? Cám ơn bác sĩ. (Hoàng Thị My, Tp.HCM)
- PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn:
Chào My.
Như trên đã đề cập, dị ứng mang tính chất di truyền và chịu tác động của môi trường. Tùy vào số thành viên trong gia đình bị dị ứng nhiều hay ít mà bé sẽ có nguy cơ dị ứng cao hay thấp. Chúng ta có thể sử dụng bài kiểm tra đánh giá nguy cơ dị ứng cho trẻ rất đơn giản.
Ngày nay, việc phòng ngừa dị ứng được các bác sĩ khuyên nên tiến hành thật sớm ngay khi dị ứng chưa xuất hiện, gọi là phòng ngừa tiên phát. Các biện pháp phòng ngừa tiên phát thông qua dinh dưỡng đã được nghiên cứu nhiều và cho những kết quả rất khả quan. Cụ thể:
- Khi mang thai, nên ăn uống đầy đủ, không cần phải kiêng khem một loại thức ăn nào (trừ trường hợp mẹ đã biết mình dị ứng rõ ràng với một loại thức ăn nào đó thì nên kiêng thức ăn này).
- Khi sinh bé ra, nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, ít nhất 6 tháng và tiếp tục bú mẹ lâu nhất có thể. Trong trường hợp không có sữa mẹ thì có thể sử dụng các công thức dinh dưỡng có đạm thủy phân cụ thể là đạm whey thủy phân một phần và đạm casein thủy phân tích cực để phòng ngừa dị ứng cho trẻ. Hiện nay, đạm whey thủy phân một phần được khuyến cáo ưu tiên lựa chọn vì mùi vị ngon thơm dễ uống và giá thành thấp. Các nghiên cứu đã chứng minh, loại đạm này sẽ giúp giảm dị ứng đến 55%. Một nghiên cứu khác tại Đức cho thấy mặt dù chỉ sử dụng trong thời gian đầu đời, nhưng những bé uống đạm whey thủy phân một phần sẽ ít bị chàm, hen suyễn và viêm mũi dị ứng khi theo dõi đến 15 tuổi.
- Khi ăn dặm, nên cho bé ăn thức ăn ngọt trước, rồi đến thức ăn mặn (thịt cá). Nên cho bé ăn các thức ăn "hiền" (tức là các thức ăn ít gây dị ứng như thịt heo, cá đồng) trước, rồi mới đến các thức ăn hay gây dị ứng như trứng, sữa bò, hải sản... Mỗi loại thức ăn mới giới thiệu, nên ăn liên tục trong 3 ngày để xem bé có những biểu hiện gì khác thường hay không. Nếu gia đình đã có tiền căn dị ứng nặng nề, thì nên trao đổi với bác sĩ để đề ra phương cách giới thiệu thức ăn mới cho bé an toàn nhất.
Bạn nên chủ động phòng ngừa dị ứng cho bé từ sớm chứ đừng để dị ứng xuất hiện rồi thì rất khó điều trị, phải kiêng cữ nhiều thứ ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bé. Phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh.
VnExpress