Cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chiều 16/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật này nóng lên sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Công ty Tân Hoàng Minh trúng thầu là 2,43 tỷ đồng một m2 nhưng cuối cùng bỏ cọc.
"Doanh nghiệp không nộp tiền trúng thầu nhưng cơ quan chức năng không làm được gì cả, vì theo Luật Đấu giá tài sản thì không sai. Sau này họ bị khởi tố về tội danh khác chứ không phải việc bỏ cọc", Chủ tịch Quốc hội phân tích, cho rằng vấn đề này được nhắc đến nhiều lần trên nghị trường Quốc hội và các đại biểu rất quan tâm.
Hồi tháng 4/2022, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố với cáo buộc "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Doanh nghiệp này trước đó trúng thầu lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào nhưng sau đó bỏ cọc, đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá.
"Luật Đấu giá tài sản lần này có sửa được những hạn chế đó không?", Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi với Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo dự án luật.
Dẫn thêm câu chuyện Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Huệ nói đây là dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Tài sản nhà máy chỉ có vật tư như sắt vụn nhưng phải định giá như dây chuyền sản xuất, "không ai dám định giá như tài sản tồn kho của doanh nghiệp".
Nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Vĩnh Long) là dự án khó xử lý nhất trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Nợ phải trả của dự án đến cuối năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng. Bộ Công Thương sau đó đề xuất bán thanh lý tài sản trên đất dự án nhưng cả ba lần đấu giá đều không có nhà đầu tư nào tham gia.
"Công ty định giá hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay cũng không bán được", ông Huệ nói, đặt vấn đề sửa luật hiện hành phải khắc phục được hạn chế này.
Cũng nêu lại vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm và một số địa phương khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, sửa Luật Đấu giá tài sản cần khắc phục tình trạng "quân xanh, quân đỏ", ép giá, thông đồng đấu giá.
Giải trình nội dung nêu trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận việc nâng tiền đặt trước lên một cách bất thường như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm là một trong những thủ đoạn trục lợi. Song Luật Đấu giá tài sản lại "bất lực" trước việc này, thay vào đó cơ quan chức năng phải xử lý bằng các công cụ pháp luật như khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện có yếu tố lừa đảo.
Ông Long cho hay tiền đặt trước thông thường ở các nước 5-20%, nhưng khi ký hợp đồng rồi thì tiền đặt trước trở thành tiền đặt cọc. Nguyên tắc xử lý theo dân sự, người đặt cọc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì chịu mất tiền cọc. Vì vậy, để xử lý các trường hợp như Tân Hoàng Minh, phải điều chỉnh một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Theo ông, tiền đặt trước ở mức bao nhiêu chỉ là một trong những điều kiện, đấu giá quyền sử dụng đất làm dự án còn phải tuân thủ quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai. Do vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh và rà soát các luật chuyên ngành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý, theo dự thảo luật, mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất. "Việc này có thể dẫn đến nơi cao, nơi thấp và bị lợi dụng để gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi", ông nói và đề nghị quy định mức tiền cao nhất để hạn chế việc bỏ cọc, thao túng thị trường. Cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu quy định khoản tiền đặt trước căn cứ quy mô diện tích đất hoặc giá trị của tài sản đấu giá.
Cơ quan thẩm tra dự án luật đánh giá việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường) sẽ hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch hợp lý giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tối đa, tránh quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.
Dự kiến, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội xem xét tại kỳ họp 6 vào tháng 10.