Trẻ thành thị đang phải chịu "gánh nặng kép" về dinh dưỡng, đó là tình trạng vừa thiếu, vừa thừa. Nhiều trẻ em ở các thành phố lớn có thể bị béo phì nhưng vẫn bị thiếu vi chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện.
Theo nghiên cứu năm 2014 - 2015, khoảng 7 - 8% trẻ ở khu vực thành thị thiếu vitamin A, khoảng 20 - 25% trẻ bị thiếu máu, khoảng 50% trẻ em thành phố bị thiếu kẽm. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của người Việt chỉ đáp ứng 60% nhu cầu vitamin D do thói quen ít ăn cá, ít uống sữa.
Đây là những thông tin được PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học, Viện Dinh dưỡng đưa ra ở một buổi tập huấn về Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra ngày 10/12 tại quận Hoàng Mai.
Là đơn vị trúng thầu chương trình Sữa học đường Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tập huấn cho các đại biểu của trường học toàn thành phố từ 3 đến 12/12 nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn liên quan đến việc triển khai chương trình. Hoàng Mai là đơn vị thứ 26 trong 30 đơn vị quận huyện đã thực hiện tập huấn.

Ông Tạ Bảo Long - Giám đốc truyền thông Công ty Tetra Pak, đơn vị cung cấp bao bì hộp sữa.
Tầm quan trọng của sữa với bữa ăn học đường
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh tầm quan trọng của sữa học đường với sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ em.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, trong cuộc đời, có hai giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và tối đa về chiều cao là giai đoạn đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì.
Giai đoạn đầu đời (tính từ khi bà mẹ mang thai đến khi em bé được khoảng 2 tuổi), em bé có sự tăng tốc chiều cao nhanh nhất, cũng là cơ hội cha mẹ phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ. Cơ hội thứ hai để trẻ tăng trưởng chiều cao tốt là giai đoạn tiền dậy thì (bé trai từ 14 – 18 tuổi, bé gái từ 12 - 16 tuổi). Trước giai đoạn dậy thì khoảng một, hai năm, trẻ có sự tăng tốc chiều cao rất nhanh, có thể trên 10cm mỗi năm.
"Chế độ dinh dưỡng từ mẫu giáo đến tiểu học rất quan trọng, nó là sự tích lũy về dinh dưỡng để tạo cơ hội đột phá về chiều cao", PGS.TS Bùi Thị Nhung khẳng định.
Năm 2016, Viện dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng sữa cho khẩu phần dinh dưỡng của người Việt Nam. PGS.TS Bùi Thị Nhung cũng dẫn chứng về bữa ăn học đường của Nhật Bản - đất nước áp dụng mô hình bữa ăn học đường thành công nhất thế giới.
Tại đây, bữa trưa nào trẻ cũng được uống 200ml sữa. Ở thời điểm đầu tiên, nhiều trẻ em chưa uống được sữa, nhiều vùng khó khăn đã phải đưa sữa vào bánh cho trẻ tập ăn. Theo số liệu năm 2007, chiều cao của người Nhật Bản đã tăng thêm 10 cm và tuổi thọ trung bình ở mức cao nhất thế giới. Điều này cho thấy chương trình cung cấp sữa học đường của Nhật Bản đã mang tới nhiều hiệu quả trong việc cải thiện tầm vóc ở trẻ.
Sữa học đường 2019 và những nỗ lực của Vinamilk
Theo ông Lê Văn Đức - Trưởng Bộ phận Truyền thông Dinh dưỡng Sữa học đường Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, sản phẩm sữa học đường được Vinamilk cung ứng là sữa tươi nguyên chất, dung tích 180ml, sản xuất tại Việt Nam. Sữa học đường của Vinamilk bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin nhóm B, canxi, sắt, kẽm... phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Những sản phẩm này không dư lượng hormone tăng trưởng, dư lượng kháng sinh hay chất bảo quản. Mọi thông tin được ghi rõ ràng, minh bạch trên trên bao bì sản phẩm.

Ông Lê Văn Đức - Trưởng Bộ phận Truyền thông Dinh dưỡng Sữa học đường - Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.
Vinamilk cam kết hỗ trợ 23% với trẻ thông thường, nhà nước và phụ huynh đóng góp 77% đơn giá trúng thầu của mỗi hộp sữa. Trong đó phụ huynh chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% theo quy định của đề án đã được duyệt trước đó. Riêng đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ thuộc hộ nghèo..., mức đóng góp của Vinamilk là 50%, mức hỗ trợ của Nhà nước là 50% còn lại, đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam cho hay. Chương trình mang tính nhân văn sâu rộng khi các học sinh trong lứa tuổi mầm non và tiểu học, không phân biệt giàu nghèo đều được uống sữa để phát triển.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam hiện có hệ thống 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam. Để đáp ứng chương trình Sữa học đường Hà Nội, Vinamilk có nhà máy Tiên Sơn (Bắc Ninh), nhà máy Tam Sơn (Thanh Hóa) đủ khả năng cung ứng. "Chúng tôi cũng chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ ba và đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục. Công ty hướng đến việc không chỉ đáp ứng chương trình Sữa học đường trên địa bàn Hà Nội mà còn cung cấp đủ cho các Sở giáo dục tại nhiều tỉnh thành miền Bắc", ông Lê Văn Đức nói.
Vinamilk được đánh giá là đơn vị nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các chương trình sữa học đường từ những năm 2000 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hà Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Bến Tre, Tây Ninh... Riêng tại Mỹ, Công ty Driftwood (100% vốn của Vinamilk) có kinh nghiệm thực hiện Chương trình Sữa học đường hơn 30 năm cho các trường học tại bang California.
Trong đợt tập huấn, ban tổ chức cũng hướng dẫn các đơn vị nhà trường về công tác tiếp nhận sản phẩm, lưu kho bảo quản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn nhà trường cách tổ chức uống sữa để hiệu quả trong quá trình thực hiện chương trình. "Cùng với công việc tập huấn, Vinamilk triển khai khảo sát tại các đơn vị để xác định kho bãi, nhu cầu sử dụng của nhà trường để sản xuất và giao hàng...", ông Lê Văn Đức cho hay.
Theo báo cáo viên từ Vinamilk, công tác triển khai chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, an toàn từ khâu tiếp - giao nhận sữa, lưu kho, triển khai uống sữa tại lớp đến khâu xử lý bao bì sau khi sử dụng xong.
Tại sự kiện, ông Tạ Bảo Long - Giám đốc truyền thông Công ty Tetra Pak, đơn vị cung cấp bao bì hộp sữa cũng hướng dẫn các đại diện nhà trường cách xử lý hộp sau sử dụng, cách xếp hộp để thu gọn không gian bỏ rác, hướng đến việc thu gom và tái chế các hộp sữa này.
Đánh giá cao uy tín của đơn vị trúng thầu chương trình Sữa học đường Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dẫn chứng: "Theo một số lãnh đạo các quận huyện, trước đây, có những trường chỉ có khoảng 30 - 40% phụ huynh cho trẻ uống sữa, nhưng khi biết Vinamilk là đơn vị trúng thầu, số lượng đăng ký đã lên đến 80 - 90%. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 85% phụ huynh đăng ý cho trẻ tham gia vào chương trình".

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến.
Trước đó, trong buổi làm việc sáng 27/11 với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trường học cơ bản ủng hộ chương trình Sữa học đường.
Sau hai vòng mở thầu ngày 10/10 và 12/11, Vinamilk là đơn vị trúng thầu với đơn giá trúng thầu của là 6.286 đồng mỗi hộp sữa, thấp hơn giá trần là 524 đồng mỗi hộp.
Việc giảm giá của Vinamilk tiết kiệm khoảng 7,55% tương đương với 313 tỷ đồng cho ngân sách chung của chương trình. Điều này thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp cùng với các chủ trương nhân văn của nhà nước, chính phủ. Đây cũng là hình thức hỗ trợ cho các bậc phụ huynh, góp phần khuyến khích phụ huynh tham gia chương trình để con em mình có thêm cơ hội sử dụng sữa thường xuyên nhằm phát triển toàn diện hơn về thể lực và trí lực.
"Đây là chương trình nhân văn, Vinamilk không đặt yếu tố thương mại lên hàng đầu, mục tiêu của chúng tôi là chung tay với Nhà nước, phụ huynh học sinh nhằm chăm lo cho bữa ăn của các em, vì một Việt Nam vươn cao", ông Lê Văn Đức nói.
Hơn 20 ngày nữa, trẻ em mầm non và tiểu học tại Hà Nội sẽ tham gia vào chương trình Sữa học đường 2019, với sản phẩm sữa nguyên chất của Vinamilk. Những công tác cuối cùng đang được tích cực chuẩn bị để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam trong tương lai.
Hà Trương