12 hồ chứa nước tại Bình Định đang sửa chữa, nâng cấp, gồm: Đá Bàn, Giàn Tranh, Nhà Hố (huyện Phù Mỹ); Cây Điều, Hóc Hảo, Đồng Quang (huyện Hoài Ân); Hóc Thánh, Hải Nam (huyện Tây Sơn); Cây Thích, Đá Vàng (huyện Tuy Phước); Suối Cầu (huyện Vân Canh) và Chánh Hùng (huyện Phù Cát).
Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa bị xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, cải thiện các công năng thiết kế và điều kiện vận hành của đập; giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, bảo vệ người và tài sản ở hạ lưu công trình; đảm bảo cấp nước tưới ổn định cho đất sản xuất nông nghiệp.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, các dự án tập trung thi công các hạng mục: nâng cao đỉnh đập để tăng dung tích hồ chứa, chống thấm cho thân và nền đập, mở rộng mặt đập theo tiêu chuẩn quy định, gia cố mái thượng và hạ lưu đập, bê tông mặt đập và xây dựng hệ thống quan trắc tự động hồ, đập. Xây mới và sửa chữa cống lấy nước; xây mới và sửa chữa, cải thiện điều kiện vận hành của tràn xả lũ để đảm bảo khả năng thoát lũ; xây dựng nhà quản lý hồ và nâng cấp đường quản lý vận hành kết hợp cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai.
Tiết trời những ngày này nắng nóng oi bức, song trên công trường thi công hồ chứa nước Đá Vàng (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) hàng chục công nhân thi công các hạng mục, đổ bê tông gia cố mái thượng lưu. Tiến độ thi công tràn xả lũ, bể tiêu năng, sân sau bể tiêu năng nhìn chung đảm bảo, khối lượng bê tông đạt 250/446 m3. Cống lấy nước (cửa vào, thân cống) hiện thi công xong và đang gấp rút hoàn thiện bể tiêu năng, nhà vận hành van. Sau khi công trình hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho gần 40 ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Ông Nguyễn Trọng Trí, phụ trách kỹ thuật giám sát công trình, cho hay đơn vị thi công dự án đang huy động 10 phương tiện xe cơ giới (máy đào, máy ủi, máy đầm rung, xe ben...) thực hiện đắp đất thân đập, với khối lượng ước đạt hơn 11.000/15.000 m3. Dự kiến, trước ngày 31/8, nhà thầu sẽ hoàn thành các hạng mục này, đảm bảo công trình vượt lũ an toàn. Trong quá trình vận hành thoát lũ công trình, bộ phận giám sát hiện trường của chủ đầu tư sẽ bám sát hiện trường, phối hợp nhà thầu triển khai tốt công tác ứng phó với mưa lũ, đảm bảo công trình vận hành an toàn.
Theo dự báo, mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn, lượng mưa cũng cao hơn mọi năm. Do đó, để bảo đảm an toàn các công trình hồ chứa nước trong quá trình thi công sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo vượt lũ chính vụ năm 2024, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu nhà thầu đang triển khai thi công các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Các đơn vị cần có kế hoạch tăng cường thiết bị, nhân lực, tập kết vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công; lập tiến độ chi tiết gửi cho chủ đầu tư và tư vấn giám sát để theo dõi, đôn đốc; có dự phòng thời gian, đảm bảo vượt lũ trước ngày 30/8 an toàn.
Ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, Ban đã chỉ đạo nhà thầu cần thi công hoàn thiện các hạng mục trong lòng hồ, tính từ mực nước dâng bình thường trở xuống. Đơn cử, đơn vị hoàn thành đắp đất mái đập và gia cố bê tông, lát khan mái, hoàn thành cống lấy nước, hoàn thành tràn xả lũ đến cao trình đỉnh đập, lắp đặt các cửa van. Nhà thầu cần thực hiện thu dọn hoàn trả hiện trạng trong lòng hồ, thông thoáng dòng chảy trước và sau cống lấy nước, tràn xả lũ, đảm bảo đủ điều kiện tích nước trước ngày 30/9 để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Các hạng mục còn lại bên trên sẽ thi công hoàn thành trước ngày 30/12.
(Nguồn: Tỉnh Bình Định)