Sinh vật đáng yêu này mới ba tháng tuổi. Đây là cá thể sư tử đầu tiên được nhân giống thành công bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở Singapore. Nó được đặt tên là Simba theo nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình "Vua sư tử" nổi tiếng của Disney.
Cha của nó, Mufasa, là một con sư tử châu Phi đã già yếu vào thời điểm thu thập tinh dịch. Trong khi đồng loại của nó chỉ sống được 10 - 14 năm trong môi trường tự nhiên, Mufasa đã sống tới 20 năm nhưng chưa có bất kỳ hậu duệ nào, do bản tính hung dữ của nó cản trở các nỗ lực ghép đôi, theo Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Singapore (WRS).
Đội thú y và chăm sóc động vật tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Động vật Hoang dã ở Sở thú Singapore đã thu thập tinh dịch của Mufasa trong những ngày tháng cuối đời của nó, sau đó phối giống nhân tạo cho một con sư tử cái khỏe mạnh có tên Kayla và sinh ra Simba vào tháng 10/2020. Đáng tiếc là Mufasa đã không thể sống sót tới thời điểm đó.
"Sự chào đời của Simba giúp bảo tồn gene và huyết thống của Mufasa. Điều này có đóng góp giá trị vào sự đa dạng di truyền và tính bền vững của quần thể sư tử châu Phi tại các khu bảo tồn động vật", WRS nhấn mạnh.
Trong tháng đầu đời, Simba phát triển tốt với sự chăm sóc của Kayla, nhưng sau đó, hổ mẹ bắt đầu gặp khó khăn trong việc cho con bú do bị viêm tuyến vú. Nhân viên sở thú sau đó đã phải can thiệp bằng cách cho sư tử con bú bình để bổ sung dinh dưỡng.
"Rất may là Kayla đã chấp nhận sự can thiệp, điều này cho thấy mối quan hệ tin cậy được xây dựng theo thời gian giữa sư tử mẹ và đội ngũ chăm sóc tại sở thú", Kughan Krishnan, người đứng đầu bộ phận thú ăn thịt tại WRS, chia sẻ.
Ba tháng đã trôi qua và Simba vẫn phát triển tốt. Bên cạnh việc cung cấp sữa bình, sở thú đã bắt đầu cho con vật ăn thịt sống được cắt nhỏ.
Sư tử châu Phi hiện được phân loại "sắp nguy cấp" trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, với khoảng 23.000 đến 39.000 con trưởng thành còn tồn tại trong tự nhiên. Quần thể loài đã giảm mạnh hơn 40% trong hai thập kỷ qua.
Đoàn Dương (Theo AFP/Asia One)