Theo BBC, con sư tử Cecil 13 tuổi, là đối tượng thu hút khách du lịch tại vườn quốc gia Hwange nổi tiếng tại Zimbabwe. Nó được cho là bị giết trộm hôm 1/7 nhưng phải nhiều ngày sau, người ta mới phát hiện ra xác nó, theo ZCTF, tổ chức bảo tồn địa phương.
Trên người con sư tử gắn GPS, thiết bị định vị trong dự án nghiên cứu do đại học Oxford thực hiện. ZCTF cáo buộc nhóm thợ săn đã cố phá hủy thiết bị này nhưng thất bại.
ZCTF cho biết, các thợ săn đã sử dụng mồi nhử con sư tử ra ngoài vườn quốc gia để săn nó vào ban đêm. Nha sĩ người Mỹ Palmer được cho là đã trả 50.000 USD cho chuyến đi săn. Ông này bị cáo buộc dùng nỏ bắn Cecil bị thương, sau đó theo dấu con vật trong 40 giờ, dùng súng bắn chết và lột da, chặt đầu nó.
Cảnh sát Zimbabwe đã bắt giữ hai người địa phương - một thợ săn chuyên nghiệp và một chủ trang trại, bị cáo buộc tội săn trộm vì không có giấy phép. Họ có thể bị xử 15 năm tù vì tội này trong phiên tòa hôm nay.
Cảnh sát Zimbabwe cho biết, rất có thể Palmer cũng phải đối mặt với tội săn trộm. Tuy nhiên, nha sĩ này đã về Mỹ, và tuyên bố có "đầy đủ giấy phép đi săn thích hợp". Ông không biết đó là con sư tử nổi tiếng, cho đến khi cuộc săn kết thúc.
Ông nói thêm không nhận được bất cứ liên lạc nào từ phía chính quyền Zimbabwe hay Mỹ, tuyên bố sẽ "hợp tác với bất kỳ yêu cầu nào của chính quyền."
Việc giết chết con sư tử nổi tiếng nhất Zimbabwe khiến Palmer gặp rắc rối trong công việc. Phòng khám của ông phải đóng cửa, trang facebook và web cũng bị gỡ xuống, sau khi bị hàng loạt ý kiến tức giận bủa vây.
Zimbabwe và nhiều nước châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắn trái phép và săn trộm, đe dọa tuyệt chủng một số loài động vật hoang dã. Con sư tử Cecil nổi tiếng là "không bao giờ làm phiền ai" và "một trong những con vật tuyệt đẹp để chiêm ngưỡng."
Cecil có 6 đứa con, tuy nhiên, chúng sẽ bị con đực đầu đàn mới giết chết. Đây là cách con đầu đàn mới buộc con cái giao phối với nó, Johnny Rodrigues, chủ tịch ZCTF cho biết. "Đó là quy luật tự nhiên," ông nhận xét.
Một thế kỷ trước, lượng sư tử ở châu Phi vào khoảng 200.000 con, nhưng con số này đã giảm xuống chưa tới 30.000 trong những năm gần đây. Săn sư tử là hợp pháp ở một vài quốc gia phía nam châu Phi, bao gồm Zimbabwe, nhưng bắt buộc phải xin giấy phép hợp lệ.
Hồng Hạnh