Wang Laichun chỉ là một công nhân bình thường khi bắt đầu làm việc ở nhà máy sản xuất cổng kết nối của Foxconn tại Đài Loan vào năm 1988, khi bà ở tuổi 21. Điều mà chính bà và chủ lao động không biết là Wang sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh nghiêm túc của Foxconn, tập đoàn thống trị ngành sản xuất thiết bị công nghệ, sau đó 32 năm.
Luxshare Precision Industry, công ty do Wang thành lập, hồi tháng 7 đạt thỏa thuận mua lại hai công ty con thuộc Wistron, một trong hai đối thủ chính của Foxconn. Luxshare cũng là đối tác lâu năm của Apple, chuyên cung ứng dây cáp, ăng-ten và tai nghe AirPods, hiện công ty sở hữu một số nhà máy sản xuất tại Bắc Giang.
Thương vụ trị giá khoảng 470 triệu USD cho phép công ty của bà Wang sở hữu hai nhà máy chuyên sản xuất iPhone tại Trung Quốc, có thể xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên từ năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên dây chuyền sản xuất iPhone nằm trong tay một công ty Trung Quốc đại lục.
Giới chuyên gia cho rằng đó có thể là sự kiện đánh dấu quá trình phân tách chuỗi cung ứng của Apple, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn leo thang và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đã tìm cách loại bỏ những công ty Trung Quốc khỏi ngành công nghệ toàn cầu.
"Đây là bước đi hợp lý của Apple giữa chiến tranh thương mại và công nghệ. Chúng ta sẽ chứng kiến một hệ thống cho Trung Quốc và một hệ thống cho những nước ngoài Trung Quốc", Alex Ng, nhà phân tích thuộc Ngân hàng Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CMBI), nhận xét.
Lãnh đạo các tập đoàn sản xuất điện tử Đài Loan cho rằng thương vụ của Luxshare là chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả của Apple. Tình hình leo thang căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến Trung Quốc ít có khả năng trừng phạt những công ty Mỹ đặt hàng sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, do điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc.
"Một trong những động lực dẫn tới sự trỗi dậy của các công ty sản xuất điện tử Trung Quốc là nhiều hãng công nghệ đang tìm cách đạt khả năng nội địa hóa chuỗi cung ứng", Kyna Wong, nhà phân tích của Credit Suisse, nhận xét.
Apple có thể cho phép Foxconn, Pegatron và Wistron, ba hãng sản xuất Đài Loan kiểm soát dây chuyền lắp ráp iPhone, tập trung mở rộng năng lực ngoài Trung Quốc để phục vụ thị trường Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, Luxshare có thể trở thành hãng lắp ráp iPhone hàng đầu cho thị trường Trung Quốc.
Luxshare đang nổi lên như một thế lực trong ngành lắp ráp khi liên tục nhận được những đơn hàng lớn từ Apple, hiện là đơn vị lắp ráp AirPods lớn nhất thế giới và thậm chí còn giành thị phần với "ông lớn" Foxconn.
Sau 11 năm làm việc tại Foxconn và Cheng Uei, bà Wang Laichun thành lập công ty riêng vào năm 1999 và hợp tác với anh trai Wang Laisheng để cung cấp cổng kết nối cho Foxconn. "Họ là nhà thầu phụ của chúng tôi", một lãnh đạo của Foxconn cho hay.
Luxshare nhanh chóng bán sản phẩm cho các tập đoàn khác như Flextronics, Cheng Uei và Lite-On, đồng thời thiết lập quan hệ thân thiết với nhiều doanh nghiệp khác. Cheng Uei còn đầu tư 5,8 triệu USD cho Luxshare trước khi công ty này phát hành công khai lần đầu trên thị trường chứng khoán vào năm 2010 và nắm 25% cổ phần ở hai công ty con thuộc Luxshare cho đến năm 2018.
Một số cựu nhân viên cho biết Luxshare có nhiều nét tương đồng với Foxconn. "Nhiều câu nói của chủ tịch Terry Gou được treo trên tường, phong cách lãnh đạo của Wang cũng rất giống với ông chủ Foxconn", lãnh đạo tập đoàn Đài Loan cho hay và thêm rằng Luxshare rất chú trọng kỷ luật và cách làm việc.
Tuy nhiên, bà Wang cũng không dừng lại ở việc chạy theo chủ tịch Foxconn. Sau khi Luxshare phát hành công khai, bà đã mua hàng loạt doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng iPhone. Luxshare đầu tư vào hàng loạt nhà sản xuất dây cáp và cổng kết nối ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong, sau đó hợp tác với hãng chế tạo tai nghe Đài Loan Merry Electronics và Lite-On, nhà sản xuất module camera cho smartphone.
Những thương vụ này giúp Luxshare trở thành nhà cung cấp AirPods chủ chốt cho Apple. Nhiều chuyên gia cho rằng CEO Apple Tim Cook là một trong những yếu tố giúp Luxshare nổi lên.
"Ông ấy ủng hộ Luxshare vào những thời điểm then chốt và dựa vào Foxconn để rèn luyện họ. Ông ấy muốn có nhiều hơn một nhà cung cấp", Kirk Yang, nhà đầu tư Đài Loan chuyên theo dõi Foxconn, cho biết.
Luxshare từng cho thấy khả năng đẩy mạnh hiệu quả và lợi nhuận của những công ty mới được mua lại. Điều này sẽ có vai trò chủ chốt khi họ bắt đầu vận hành nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron. Dù là một trong ba đối tác lắp ráp iPhone, Wistron không hưởng lợi nhiều từ mảng này. Hãng chỉ xuất xưởng khoảng 5% số iPhone trên toàn cầu và tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 0,2% trong năm 2019.
Sự xuất hiện của Luxshare có thể khiến tỷ suất lợi nhuận ngày càng thu hẹp trong bối cảnh tập đoàn này muốn giành thêm thị phần từ Foxconn và Pegatron.
Don Yew, chuyên gia phân tích của Morningstar, cho biết Apple sẽ cần cắt giảm chi phí sản xuất khi tăng trưởng doanh số bán iPhone được thúc đẩy bởi các mẫu thuộc phân khúc tầm thấp. "Họ làm được điều đó bằng cách đưa những đối tác mới vào chuỗi sản xuất, chủ yếu là những công ty Trung Quốc có khả năng cạnh tranh về giá", Yew nói.
Luxshare có thể chiếm tới 20% đơn đặt hành iPhone trong tương lai, tương đương với thị phần bán hàng của Trung Quốc trên toàn cầu. Điều này sẽ cắt giảm thị phần của các tập đoàn Đài Loan, nhưng cho phép họ mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á và Ấn Độ.
Một số nguồn tin thân cận với Luxshare cho biết Foxconn chào đón sự xuất hiện của họ trong chuỗi cung ứng iPhone. Lãnh đạo Luxshare cũng cho biết Foxconn và những nhà sản xuất khác không mất lợi ích vì thương vụ này.
Điệp Anh (theo Financial Times)