Theo Business Insider, Jack Ma từng là gương mặt đại diện "bất khả chiến bại" của công nghệ Trung Quốc. Thẳng thắn và khoa trương, doanh nhân công nghệ này thường xuyên xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên truyền thông, tại các hội nghị và các sự kiện nổi bật của công ty. Ông cũng được nhận xét là người hướng ngoại, sẵn sàng nhảy điệu Michael Jackson trước hàng nghìn người. Dù vậy, sau khi công khai chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc, ông gần như biến mất trước công chúng từ cuối năm 2020 đến 2023. Còn hiện ông đã "ra mắt" một phiên bản mới của chính mình, có thể gọi là Jack Ma 3.0.
Jack Ma 1.0 - giáo viên tiếng Anh tham gia công nghệ
Trong những câu chuyện về Jack Ma thường đề cập việc ông vươn lên từ nghèo khó. Ông có tên khai sinh là Ma Yun, sinh vào tháng 9/1964 trong một gia đình nghèo ở Hàng Châu.
Thời đi học, ông không phải nhân vật xuất sắc, từng trượt kỳ thi tuyển sinh đại học hai lần trước khi đỗ vào Học viện Sư phạm Hàng Châu. Sau khi tốt nghiệp năm 1988, ông nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối, trong đó có cả chuỗi cửa hàng ăn nhanh KFC. Cuối cùng, ông làm giáo viên Tiếng Anh - công việc ông mô tả là "thực sự yêu thích" nhưng chỉ được trả 12 USD mỗi tháng.
"Kể cả khi còn là một cậu bé hay ở hiện tại, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi đây. Khi nhìn lại, mọi vấn đề tôi gặp phải hồi nhỏ đều mang lại lợi ích cho tôi", Jack Ma nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) năm 2018.
Ông bắt đầu kinh doanh riêng năm 1994 ở lĩnh vực dịch thuật. Một năm sau đó, ông có chuyến công tác tới Mỹ. Khi về Trung Quốc, ông cùng đồng nghiệp góp vốn 20.000 USD để thành lập China Pages - công ty chuyên thiết kế website cho những doanh nghiệp và người dùng có nhu cầu. Trong ba năm, công ty đã kiếm được 5 triệu nhân dân tệ, tương đương 800.000 USD khi đó, nhưng vẫn bị xem là thất bại.
Năm 1999, ông tập hợp nhóm 17 người thành lập Alibaba, cho phép mọi người có thể bán sản phẩm trên đó. Đây cũng được xem là nền tảng đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên thương mại điện tử. Ông không có kiến thức về tiếp thị hay máy tính, nhưng vẫn xây dựng nên một trong những công ty Internet thành công nhất thế giới. Tại sự kiện ở Davos, Jack Ma nói khởi đầu là một giáo viên giúp ông tích lũy nhiều kỹ năng, đặc biệt là cách trau dồi kiến thức, giao phó công việc cho cấp dưới và vạch ra phương hướng cho Alibaba.
"Jack Ma giống một giáo viên hơn là một nhà quản lý", Brian Wong, nhân viên thứ 52 của Alibaba và hiện là cố vấn công ty, nói với Business Insider. "Đó chính là tài sản lớn nhất giúp ông ấy xây dựng doanh nghiệp".
Jack Ma 2.0 - CEO năng động của Big Tech Trung Quốc
"Ông ấy là bậc thầy trong việc truyền đạt khát vọng mà rất nhiều người có thể đồng cảm", Wong nói về cách Jack Ma điều hành công ty và sức hút của ông.
Theo Wong, văn hóa làm việc tại Alibaba rất căng thẳng nhưng Jack Ma nổi tiếng là người tạo ra không khí vui vẻ. Vào đầu những năm 2000, khi thành lập nền tảng mua sắm Taobao, ông yêu cầu nhóm của mình trồng cây chuối trong giờ giải lao để tăng thêm năng lượng.
Alibaba bùng nổ trong những năm 2000 tại Trung Quốc. Jack Ma bắt đầu mơ vượt ra ngoài biên giới. Năm 2014, Alibaba niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, đưa ông trở thành người giàu nhất châu Á với khối tài sản ước tính 25 tỷ USD.
"Điều tôi nghĩ đến là làm thế nào chúng ta có thể biến Alibaba thành nền tảng cho doanh nghiệp nhỏ toàn cầu", Jack Ma nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2015.
Tuy nhiên, ông cũng là người thẳng tính. Theo FT, một nguồn tin thân cận với chính quyền Hàng Châu khi đó nói Jack Ma sớm muộn sẽ có những ý kiến đi ngược và có thể bị trừng phạt. Ông rời chức chủ tịch Alibaba năm 2019. Tháng 10/2020, ông chỉ trích cơ quan quản lý Trung Quốc vì "cản trở sự đổi mới". Sau đó, ông gần như biến mất trước công chúng.
Jack Ma 3.0 - ông trùm nông nghiệp công nghệ cao
Trong thời gian "quy ẩn", một số người bắt đầu thấy Jack Ma xuất hiện tại nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Tháng 10/2021, ông đến Tây Ban Nha học về nông nghiệp và công nghệ môi trường. Thời gian sau đó, ông có mặt ở Hà Lan, Nhật Bản và Thái Lan để nghiên cứu công nghệ nông nghiệp.
Tháng 5/2023, Đại học Tokyo thông báo Jack Ma sẽ đảm nhận vị trí giảng dạy kiêm nghiên cứu sản xuất thực phẩm bền vững. Đầu năm nay, ông tới Thái Lan và ăn tối với Supakit Chearavanont, Chủ tịch Charoen Pokphand Group, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nơi đây.
Dù nghỉ hưu ở Alibaba, niềm đam mê kinh doanh của Jack Ma chưa biến mất. Theo Yicai Global, ông đã lập một công ty có tên là Hangzhou Ma's Kitchen Food tháng 11 năm ngoái, chuyên về thực phẩm đóng gói, chế biến và bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, Jack Ma chưa công khai nói về lý do ông làm nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Wong, Jack Ma luôn "động lòng" trước cách nền kinh tế kỹ thuật số có thể giúp kết nối cộng đồng nông thôn với các cơ hội phát triển bên ngoài, cũng như liên quan đến môi trường. "Nông nghiệp là sự mở rộng nhận thức của Jack, có những vấn đề như biến đổi khí hậu, khan hiếm và bất bình đẳng cần được giải quyết với công nghệ là động lực", Wong nói.
Jack Ma từng chia sẻ với hàm ý tương tự. Theo SCMP, trong một bài phát biểu gửi tới các giáo viên nông thôn vào tháng 8 năm ngoái, ông xem nông nghiệp đi kèm công nghệ cao sẽ là bàn đạp cho nhiều lĩnh vực khác. "Tôi nhận thấy một nơi làm nông nghiệp tốt không nhất thiết phải có nguồn tài nguyên tốt, mà là nơi có tư duy độc đáo và con người có trí tưởng tượng", ông nói khi đó. "Tôi nghĩ, khu vực nông thôn cần công nghệ, trong khi tư duy độc đáo và khả năng sáng tạo là yếu tố đã có".
Bảo Lâm