Theo Live Science, dựa trên cấu tạo và kích cỡ của răng, công thức này là một cách hoàn toàn mới được sử dụng nhằm tìm hiểu lịch sử tiến hóa loài người và thậm chí có thể giải đáp các câu hỏi quan trọng về tổ tiên chúng ta. Chẳng hạn, khoảng 2,5 đến ba triệu năm trước, loài nào ra đời sớm nhất trong số những loài thuộc chi Người.
"Công thức này có thể đánh giá một cách khách quan sự tiến hóa của các bộ phận khác nhau trong cơ thể", giáo sư Jukka Jernvall thuộc Đại học Helsinki, Phần Lan, tác giả của nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 25/2 cho biết.
Răng là manh mối quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa vì nó rất cứng và được bảo quản tốt hơn hộp sọ và các loại xương khác. Hơn nữa, răng còn có thể hé lộ cách thức sinh tồn của các loài đã bị tuyệt chủng.
"Răng là những hóa thạch kỳ diệu. Phần lớn hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của con người là nhờ nghiên cứu nha khoa", giáo sư Peter Kjaergaard, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch nói.
Ông cho rằng phương pháp này cung cấp thêm một công cụ quan trọng nhằm điều tra về lịch sử tiến hóa của loài người thông qua việc nghiên cứu răng hóa thạch.
Sự phát triển của răng hàm
Năm 2007, Jernvall và các đồng nghiệp bắt đầu một thử nghiệm nghiên cứu sự phát triển của răng chuột trong phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu cho thấy răng phát triển theo một quá trình bắt đầu từ mô xương hàm. Đồng thời, khi một chiếc răng trồi lên, nó tiết ra một chất dịch chảy sang răng bên cạnh và làm ức chế sự phát triển của chiếc răng này.
"Đã có một cuộc tranh luận lớn về việc hàm răng và những chiếc răng tác động lên nhau như thế nào trong suốt quá trình phát triển. Chúng tôi nhận thấy chiếc răng hàm đầu tiên gây ức chế chiếc răng cạnh đó, tiếp tục chiếc thứ hai này lại gây ức chế cho chiếc răng kế tiếp và cứ như vậy, chúng tôi gọi đó là sự ức chế tuần tự", Giáo sư Jernvall cho biết.
Hệ thống này không chỉ hoạt động trên loài chuột mà còn trên tất cả các loài động vật có vú, kể cả loài người.
Răng khôn sẽ sớm biến mất
Ở người châu Phi nguyên thủy, các răng càng nằm sâu bên trong hàm thì càng có kích thước lớn. Trong khi đó, người Homo (người hiện đại) thì ngược lại, răng hàm M1 là cái lớn nhất. Tổ tiên của loài người đã có 12 răng hàm, chia đều cho hai bên hàm trên và hàm dưới, các răng được đánh số M1, M2, M3 theo thứ tự từ ngoài vào trong. Cách bố trí này nói chung là nhất quán giữa các loài động vật có vú, mặc dù mỗi loài có kích thước răng khác nhau.
Nghiên cứu mới đã giải thích tại sao răng khôn của chúng ta (răng hàm M3) đang dần biến mất.
Theo quá trình tiến hóa, não bộ của loài người ngày càng phát triển về kích thước. Do đó xương hàm mặt phải thu nhỏ lại để cân đối với phần dưới hộp sọ. Điều này dẫn tới hệ quả là không còn chỗ cho răng hàm M3 tức răng khôn nhú lên khỏi nướu.
Nhà nghiên cứu Alan Mann từ Đại học Princeton, Mỹ, đưa ra dẫn chứng rằng ở tộc người Inuit, sinh sống ở Canada, Greenland và Alaska, có đến 45% dân số không có răng khôn. Nghiên cứu cho thấy từ xa xưa, tộc người này có kích thước răng lớn hơn bình thường, do đó, khi não bộ phát triển, xương hàm thu hẹp lại thì không còn chỗ cho răng khôn mọc lên nữa.
Ngô Minh