Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, nói chưa xác định được chính xác thời điểm lễ hội bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, vào năm 2004, tại một số khu vực trong thành phố Tuyên Quang, người dân đã làm những chiếc đèn lồng cỡ lớn cho trẻ em vui Trung thu và gây được sự chú ý.
Kích cỡ những chiếc đèn lồng thời đó "chưa hoành tráng như hiện nay", chỉ nhỉnh hơn chiều cao một người trưởng thành và được trẻ em đi bộ mang theo diễu hành khắp phố. Dù vui, bọn trẻ mệt nhanh vì phải đi bộ. Do đó, từ năm sau, người dân nghĩ ra cách để các mô hình lên xe bốn bánh.
"Thôn tự phân chia người kéo để các cháu trèo lên xe, tối nay nhóm này, tối mai nhóm khác", ông Hòa nói.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết các mô hình đèn Trung thu trong lễ hội ngoài đặc điểm kích cỡ lớn còn thể hiện các thông điệp mang ý nghĩa giáo dục. Mô hình lấy ý tưởng từ truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết như đám cưới chuột, mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, Thánh Gióng, Tấm Cám. Nhờ đó, trẻ em có thêm nhiều bài học quý giá bên cạnh niềm vui Trung thu.
Thông thường, công đoạn làm đèn Trung thu khổng lồ diễn ra trong ít nhất một tháng, tùy theo kích cỡ, độ công phu của thành phẩm. Theo ông Hòa, điểm ấn tượng của những chiếc đèn Trung thu khổng lồ ở Tuyên Quang là sự sống động, ví dụ rồng phải uốn lượn, bay trên mây và phun mưa.
Ở các tổ dân phố, người già trẻ, lớn bé đều góp công làm đèn. Khu vực "sản xuất" thường là sân nhà văn hóa. Công việc làm đèn thường diễn ra vào buổi chiều tối hoặc ngày cuối tuần. Hiện kích cỡ những chiếc đèn Trung thu trong lễ hội thành Tuyên đã lớn hơn nhiều so với năm 2004, có thể rộng 5-7 m và dài tới 30 m. Chi phí làm đèn do người dân, doanh nghiệp địa phương đóng góp.
Từ một lễ hội tự phát của người dân, năm 2008, thành phố Tuyên Quang nâng cấp lễ hội lên quy mô thành phố, được tổ chức lớn, chỉn chu hơn và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn.
Năm 2014, nhận thấy lễ hội thu hút du khách khắp nơi đến Tuyên Quang, chính quyền địa phương quyết định phát triển lễ hội lên quy mô cấp tỉnh. Trong năm 2014, tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận các kỷ lục "Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam", "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam", "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam" tại Lễ hội thành Tuyên.
Năm 2015, tỉnh Tuyên Quang chủ trương xây dựng Lễ hội thành Tuyên thành sản phẩm du lịch cấp quốc gia, gắn với các sự kiện cấp khu vực hoặc quốc gia. Vì vậy lễ hội thường đi kèm với những sự kiện lớn như Ngày hội Văn hóa các dân tộc Dao toàn quốc, Liên hoan Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm nay lễ hội gắn với chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang.
Theo ông Hòa, việc đổi mới công tác tổ chức, nâng tầm lễ hội thành sản phẩm du lịch cấp quốc gia đã mang lại những kết quả ban đầu. Lượng khách đến Tuyên Quang trong thời gian lễ hội (bắt đầu từ 16/8 và kéo dài trong khoảng hai tháng) ước đạt 500.000 lượt, cao hơn 1.700 lượt so với năm ngoái. Khách đến Tuyên Quang ngoài chiêm ngưỡng màn diễu hành 110 chiếc đèn Trung thu khổng lồ có thể tham gia liên hoan làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh phía Bắc, chương trình trưng bày ẩm thực Việt, lễ hội bia.
"Lễ hội này là đòn bẩy để du lịch Tuyên Quang phát triển", ông Hòa đánh giá.
Tú Nguyễn