Sân Vitality ngày 4/12/2016. Liverpool đối đầu chủ nhà Bournemouth ở vòng 14 Ngoại hạng Anh. Chỉ trong ba phút, đội khách ghi liền hai bàn nhờ công Sadio Mane (phút 20) và Divock Origi (phút 22). Hiệp một kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về Liverpool.
Bước ra đường hầm sau giờ nghỉ, HLV Jurgen Klopp và các học trò không lường được rằng bi kịch đang chờ đợi họ. Bằng một màn ngược dòng điên rồ, Bournemouth thắng ngược 4-3. Đặc biệt, đội chủ nhà ghi liền ba bàn vào các phút 76 (Ryan Fraser), 78 (Steve Cook) và Nathan Ake (90+3) khi đang bị dẫn trước 3-1. Trận thua ấy suýt biến mùa giải 2016-2017 của Liverpool trở thành thảm họa, khi họ cán đích ở vị trí thứ tư Ngoại hạng Anh, nhiều hơn đúng một điểm so với Arsenal. Cho đến nay, đây vẫn là ví dụ đáng kể cho học thuyết "Dẫn trước 2-0 là tỷ số nguy hiểm nhất trong bóng đá".
Với bất cứ đội bóng nào, dẫn trước 2-0 là một tình huống tưởng chừng đem lại cho đội dẫn bàn sự thoải mái. Nhưng hóa ra đây lại là bất lợi, và đội dẫn bàn hoàn toàn có thể phải nhận tổn thương. Tại sao ư? Tình huống này có thể khiến đội đang có lợi thế rơi vào trạng thái "bị ru ngủ". Bởi trên lý thuyết, hai bàn là một cách biệt tương đối an toàn. Ngay cả khi bị gỡ một bàn, họ vẫn là những người giành chiến thắng. Điều đó có thể khiến hệ thống phòng ngự của đội dẫn bàn trở nên lơi lỏng, và đó cũng chính là khởi nguồn của những bi kịch.
Trong khi đó, nếu như có được một bàn gỡ, đội bị dẫn bàn sẽ có lợi thế tâm lý cực lớn, trái ngược với sự lo âu có phần hoảng loạn của đội đang dẫn bàn. Trong một trận đấu thông thường (không bao gồm các trận đấu tính theo thể thức lượt đi lượt về), thất bại 0-2 hay 1-2 không khác nhau về mặt ý nghĩa. Nó vẫn là một thất bại, vẫn là không điểm. Vậy nên, đội bị dẫn bàn sẽ dốc toàn lực tấn công và tấn công điên cuồng hơn nữa hòng gỡ hòa 2-2, thậm chí là thắng ngược.
Luận điểm này thường được các huấn luyện viên sử dụng trong quá trình đào tạo cho các cầu thủ về mặt tinh thần. Những HLV đại tài đều đã vận dụng thành công học thuyết này khi cần úy lạo tinh thần cho các cầu thủ trong bối cảnh họ đang bị dẫn 0-2 sau hiệp một, biến họ trở thành những chiến binh chơi một trận đấu như thể chẳng có ngày mai.
Các bình luận viên cũng thường sử dụng học thuyết này để níu chân người xem ở lại với trận đấu, thay vì chuyển qua kênh khác do đã tin rằng trận đấu đã kết thúc khi cách biệt là hai bàn. Bình luận viên người CH Czech - ông Josef Csaplar là người phổ biến tình huống này trong cộng đồng bóng đá Czech. Thuật ngữ này được "Czech hóa" bằng cụm từ "cái bẫy của Csaplar". Ở Serbia, thuật ngữ "Dẫn trước 2-0 là tỷ số nguy hiểm nhất trong bóng đá" được cựu HLV Milan Zivadinovic sử dụng và biến nó trở nên phổ biến ở quốc gia Đông Âu này. Ở Australia, Johnny Warren được cho là người đầu tiên đưa mệnh đề ấy lên truyền hình. Ở giải Ngoại hạng Anh, cựu danh thủ Gary Lineker cũng cố gắng đi tìm tính chân thực và khả thi của học thuyết ấy trong các trận đấu bóng đá nói chung, sau thất bại khó nuốt của Liverpool trên sân Bournemouth năm 2016 đã nói ở trên.
Để tìm ra lời giải cho học thuyết này, hãng thống kê thể thao Opta vào cuộc. Dựa trên cuộc khảo sát ở 22 đội bóng bất kỳ - những đội đang dẫn trước đối thủ với tỷ số 2-0 sau hiệp đầu tiên. Kết quả khiến những người tin cậy vào sức mạnh của học thuyết phải thất vọng. Theo đó, chỉ 2,1% đội bóng ở hoàn cảnh dẫn trước 2-0 trong hiệp một sau đó trở thành kẻ thua cuộc. Và từ đó, Opta đi đến kết luận: Học thuyết "Dẫn trước 2-0 là tỷ số nguy hiểm nhất trong bóng đá" thực ra chỉ là một chiêu bài tâm lý của các HLV để thúc đẩy tinh thần thi đấu cho đội bóng của mình, hoặc các bình luận viên truyền hình muốn giữ chân người xem.
Nhưng để 2,1% ấy không xảy đến với mình, chuyên gia Ivan Bobanovic đưa ra ba lời khuyên cho các đội bóng đang dẫn trước 2-0: Một là cố gắng kiểm soát quả bóng trong chân, khiến nó di chuyển trên khắp mặt sân. Điều này thường thấy ở các đội bóng do HLV Pep Guardiola dẫn dắt, từ Barcelona, Bayern Munich trong quá khứ hay Man City hiện tại. Trong tư duy phòng ngự của Pep, sở hữu bóng, liên tục luân chuyển bóng cũng chính là phòng ngự. Dù vậy, đây là một phương pháp nguy hiểm, đòi hỏi độ chính xác cao bởi chỉ một đường chuyền lỗi cũng có thể mở ra thảm kịch.
Hai là giảm nhịp độ trận đấu, khiến trận đấu trở nên buồn tẻ đến mức chính đối thủ cũng chán ngán và đánh mất quyết tâm ngược dòng. Các đội bóng do Jose Mourinho hay Diego Simeone dẫn dắt làm điều này rất giỏi, bởi họ được chỉ dạy sẵn sàng sử dụng mánh khóe khi cần thiết để triệt tiêu động lực của đối thủ. Một cuộc tranh cãi vô nghĩa giữa cầu thủ hai bên, một tình huống đá phạt chậm trễ hay những pha câu bóng bên cột cờ góc đôi khi là đủ.
Ba là luôn duy trì sự tập trung cao độ, sẵn sàng ở trong một cuộc chiến đúng nghĩa. Đừng đánh mất sự tập trung, ngay cả khi đã dẫn trước đối thủ 2-0 đến phút 90. Nếu bạn cần một dẫn chứng, hãy hỏi HLV Carlo Ancelotti và các cầu thủ Everton. Trong trận đấu giữa Everton và Newcastle ở vòng 24 Ngoại hạng Anh hôm 22/1/2020, đội chủ sân Goodison Park dẫn 2-0 đến phút 90+3. Nhưng liền các phút 90+4 và 90+5, cú đúp của cầu thủ ít tên tuổi Florian Lejeune khiến trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2. Các cầu thủ Everton đổ sụp xuống trong sự bàng hoàng, trong khi đám đông CĐV có mặt ở sân Goodison Park sững sờ như chưa hiểu điều gì xảy ra. Đến nỗi sau trận đấu, HLV Ancelotti phải an ủi học trò: "Đừng buồn! Tôi từng cùng với AC Milan dẫn trước 3-0 sau hiệp một ở chung kết Champions League 2005, nhưng sau cùng Liverpool vẫn là đội nâng cúp vô địch".
Quang Minh (theo Goal)