Trong bức ảnh do Nicole Cambré chụp trên đồng cỏ châu Phi, con sư tử ở phía dưới chắc chắn là sư tử châu Phi cái có bờm thường gặp ở phía bắc Botswana, National Geographic đưa tin.
Một trong những bức ảnh chỉ ra hai con vật cọ đầu vào nhau, hành vi thường thấy ở sư tử đực khi chúng muốn thể hiện sự chiếm hữu, theo Kathleen Alexander, chuyên gia về sư tử châu Phi và giáo sư tại Viện Bách khoa Virgina ở Blacksburg, Mỹ.
"Về việc ghép đôi, tôi chưa bao giờ trông thấy sư tử đực tương tác với nhau như thế dù đã làm việc tại Botswana suốt 20 năm. Tôi khẳng định đó nhiều khả năng là một con sư tử cái có bờm", Alexander nói.
Sự sắp xếp gene ở những con sư tử cái tại Botswana có thể khiến chúng dễ có bờm, theo Luke Hunter, chủ tịch tổ chức bảo tồn loài mèo lớn Panthera. Sư tử cái có bờm cũng có thể chịu gián đoạn trong quá trình phát triển bào thai.
"Với trường hợp trước, sự phân bố gene của tinh trùng, yếu tố quyết định giới tính bào thai ở hầu hết động vật có vú, có thể khác thường, dẫn đến con cái ra đời mang một số đặc tính của con đực. Khả năng cao hơn là vấn đề xảy ra trong quá trình mang thai nếu bào thai tiếp xúc với lượng kích thích tố nam cao, bao gồm những hormone nam giới như testosterone", Alexander cho biết.
Nếu sư tử mẹ có lượng kích thích tố nam cao bất thường trong lúc mang thai, con cái sinh ra có thể trở nên nam tính. Trường hợp này đôi khi xảy ra ở con người nhưng hiếm khi được quan sát trên động vật hoang dã.
Alexander cũng nhấn mạnh một số loài khác ở châu Phi tiến hóa thành với con cái nam tính như một phần chiến lược sinh tồn. Ví dụ, những con linh cẩu đốm cái có âm vật phì đại trông giống như dương vật để thể hiện tính chiếm hữu và duy trì trật tự mẫu hệ của chúng.
Phương Hoa