Sự việc diễn ra ngay tại cơ sở giữ trẻ tư nhân. Bé gái bị xâm hại vài ngày trước nhưng gia đình không biết cho tới khi thấy vùng kín của cháu sưng tấy vì viêm. Tôi chưa hết bàng hoàng thì hôm qua lại nhận tiếp tin báo một vụ xâm hại khác, lần này thủ phạm là bé trai 9 tuổi và nạn nhân là bé gái 5 tuổi. Tương tự như bé gái đầu tiên, bé gái thứ hai này cũng bị tổn thương vùng kín.
Hai đứa trẻ thủ phạm không hề ý thức về sự nghiêm trọng của tội ác mà chúng gây ra. Chúng hồn nhiên nói rằng chúng chỉ bắt chước người lớn. Ở những xóm trọ công nhân, ở những làng quê heo hút, những người lớn vô tư thực hiện những hành vi tình dục trước mặt trẻ con nhưng không bao giờ dạy trẻ thế nào là một hành vi tình dục đúng đắn, thế nào là hành vi xâm hại tình dục. Với các bé gái, chúng cũng chưa bao giờ được dạy về việc bảo vệ thân thể của mình. Cả bốn đứa trẻ đều là nạn nhân từ sự thờ ơ trong việc giáo dục giới tính của người lớn. Người lớn ở đây gồm cả gia đình, cả nhà trường và cả cộng đồng xã hội. Không ai vô can cả.
Tôi đang điều hành một nhóm thiện nguyện, triển khai chương trình dạy chuyên đề phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ mầm non, tiểu học. Chúng tôi đề nghị nhiều nơi, dù làm miễn phí hoặc mức phí vô cùng thấp (để bù cho các nơi khó khăn, xa xôi), nhiều hiệu trưởng vẫn quyết không cho làm. Một lần, tôi cử thành viên trong nhóm tới gặp hiệu trưởng một trường mà 90% trẻ ở đó là con em công nhân nhập cư hoặc người buôn bán nhỏ, những đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại để xin phép làm chuyên đề. Hiệu trưởng bảo: cho tiền thì nhận, chứ mấy chuyên đề đó mất thời gian mà không thiết thực. Trường kín mít các phong trào văn nghệ, thi đua "bận lắm".
Xâm hại tình dục là vấn đề toàn cầu, đặc biệt với những quốc gia đang và chậm phát triển. Nhưng sự tỉnh thức và hành động để chấm dứt tình trạng này của họ dường như đang diễn ra mạnh mẽ hơn chúng ta. Nhiều quốc gia đã đưa nội dung giáo dục giới tính này thành chương trình bắt buộc từ mầm non, hoặc trễ hơn là tiểu học. Họ có những tổ chức chuyên trợ giúp những đứa trẻ bị xâm hại, bảo vệ chúng và đấu tranh để thủ phạm phải bị xử nặng trước pháp luật. Trong khi đó, mọi tổ chức ở Việt Nam đều đang phản ứng rất chậm trước tình trạng này, nếu không muốn nói là thờ ơ.
Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em bị địa phương cố gắng che đậy, dàn xếp, không phải vì lo lắng cho tương lai của nạn nhân mà là sĩ diện của địa phương. Họ sợ mất danh hiệu khu phố văn hóa hoặc nông thôn mới. Nhà trường vẫn không thấy cần phải đưa giáo dục phòng tránh bị xâm hại vào chương trình chính khóa hay ngoại khóa.
Đã có quá nhiều nỗi đau chồng chất từ những vụ xâm hại tình dục vì hậu quả của việc bị xâm hại với trẻ không chỉ dừng lại ở các tổn thương thể chất mà có thể là những tổn thương tinh thần cả đời. Thế nhưng, ở Việt Nam, tôi vẫn chỉ thấy những hành động bảo vệ trẻ diễn ra với sự nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ hoặc cá nhân đơn lẻ.
Trẻ sẽ không thể an toàn nếu người lớn thờ ơ với những cái bẫy đang chờ đợi chúng.
Nguyễn Thị Thu Huyền