Đây là nhận định của ông Dhawal Shah - người sáng lập một nền tảng khám phá MOOC - Class Central. Theo khảo sát của nền tảng này, 10 năm trước, hơn 300.000 người học đã tham gia ba khóa học miễn phí tại Stanford, khởi đầu cho phong trào phát triển của các khóa học trực tuyến đại chúng mở hiện đại. Một thập kỷ sau, MOOC đã đạt được 220 triệu người học trên toàn cầu.
Năm 2021, các nhà cung cấp đã tung ra hơn 3.100 khóa học và 500 chứng chỉ online. Hai trong số đơn vị lớn nhất trên toàn cầu đều đã có sự thay đổi rõ rệt. Coursera trở thành công ty đại chúng, trong khi edX được mua lại bởi công ty đào tạo trực tuyến 2U với giá 800 triệu USD. Trong đó, ông đánh giá MOOC có ba sự thay đổi lớn nhất:
Giảm sự phụ thuộc vào các trường đại học
Ban đầu, các nhà cung cấp MOOC dựa vào trường đại học để tạo ra khóa học. Sự phụ thuộc đó đang giảm dần bởi ngày càng nhiều khóa học được tạo ra từ các công ty, bao gồm những "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Microsoft, Amazon và Facebook.
Các phân tích của Class Central cho thấy, trên Coursera, tỷ lệ các khóa học mới được sản xuất bởi các đối tác ngoài đại học đã tăng từ 31% vào năm 2020 và chạm mốc 39% vào năm 2021. Con số này không bao gồm các khóa học thuộc Coursera Project Network - chương trình học tập được tạo bởi các chuyên gia. Nếu tính cả những khóa học trong đó, phần lớn các khóa học mới ra mắt trên Coursera vào năm 2021 không phải từ các trường đại học.
Tương tự, nền tảng học trực tuyến FutureLearn cũng đạt 51% khóa học mới ngoài đại học trong 2021, so với 38% khóa học của năm 2020. Đơn vị này cũng giới thiệu dịch vụ học tập mới mang tên ExpertTracks - cung cấp các danh mục học tập kỹ năng theo từng chủ đề. Chỉ một trong ba dịch vụ ExpertTracks được sản xuất bởi các trường đại học.
Nhà cung cấp | Năm 2020 | Năm 2021 |
Coursera | 31% | 39% |
edX | 16% | 26% |
FutureLearn | 38% | 51% |
Không còn miễn phí
MOOC bắt đầu với thông điệp đem giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Với những thông điệp trong những năm đầu, toàn bộ ngành công nghiệp học trực tuyến đã ra đời với nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới, bao gồm một số nền tảng cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ, hình thức này đã dần thay đổi, biến thành mô hình có doanh thu và mang lại hơn nửa tỷ USD hàng năm.
Theo thời gian, định nghĩa về MOOC đã thay đổi, từ miễn phí sang miễn phí đánh giá (free-to-audit).Trong các khóa học phổ biến, chứng chỉ và bài tập chất lượng được tính phí. Nhiều khóa học của các nhà cung cấp MOOC hàng đầu đã không miễn phí ngay từ khi mới ra mắt.
Các nhà cung cấp cũng có sự điều chỉnh về thời gian để các khóa học luôn sẵn sàng vào mọi thời điểm, thay vì chỉ có những ngày khai giảng nhất định. Điều này giúp người học hoàn toàn chủ động lịch học. Khi mở rộng quy mô triển khai MOOC, vai trò của các giáo sư cũng bị giảm bớt trong khóa học.
Những thay đổi này đã xóa bỏ một trong những lợi điểm bán hàng của MOOC thời kỳ đầu: xây dựng cộng đồng học tập toàn cầu. Hiện, MOOC dường như không còn đặt mục tiêu phát triển cộng đồng. Thay vào đó, các nhà cung cấp đã tìm ra đối tượng chính muốn khai thác khóa học - những người học chuyên nghiệp, tham gia vì lợi ích nghề nghiệp tiềm năng. Để nhắm tới nhóm người dùng mục tiêu này, các đơn vị tung ra 70 bằng cấp trực tuyến và khoảng 17.000 chứng chỉ trực tuyến.
Tăng trưởng nhờ đại dịch
Đại dịch đã tác động mạnh mẽ tới các nền tảng MOOC, Theo đó, các công ty này đạt tốc độ tăng trưởng trong vài tháng tương đương với vài năm trước đó. Sau giai đoạn đại dịch bùng nổ trong năm 2020, các nền tảng MOOC đã tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, con số vẫn rất ấn tượng. Vào năm 2021, 41 triệu người học mới đã đăng ký ít nhất một khóa học trực tuyến đại chúng mở, trong khi năm 2020 là 60 triệu.
Trong đó, Coursera duy trì đà tăng người dùng tốt nhất từ khi Covid-19 xuất hiện. Nền tảng này có thêm 31 triệu người học mới vào năm 2020. Con số này giảm xuống 21 triệu trong năm 2021 nhưng vẫn nhiều hơn rất nhiều so với năm 2019 (8 triệu).
Điều này đã thúc đẩy Coursera lên sàn chứng khoán. Sau khi được niêm yết trên sàn NYSE vào tháng 3/2021 và được định giá 519 triệu USD, Coursera dự kiến mang lại doanh thu hơn 400 triệu USD vào năm 2021. Tuy nhiên, thực tế, giá cổ phiếu liên tục giảm, công ty vẫn chưa thu được lợi nhuận và đang trên đà thua lỗ hơn 100 triệu đô la.
Khó có thể cạnh tranh với Coursera nếu không có thêm tài nguyên học tập, nền tảng edX đã quyết định sáp nhập vào U2 và không còn là một nền tảng học tập phi lợi nhuận như trước.
Việc 2U mua lại edX không có tác động tích cực đến giá cổ phiếu 2U. Theo đánh giá của ông Dhawal Shah, việc mua lại này làm suy yếu edX vì nó lấy đi lợi thế lớn nhất của nhà cung cấp này so với đối thủ: giá trị phi lợi nhuận cho người dùng.
Đại dịch cũng làm tăng việc áp dụng các khóa học trực tuyến ở các tập đoàn và chính phủ trên toàn thế giới. Đối với Coursera, nhóm người dùng "doanh nghiệp" - các công ty mua quyền truy cập các khóa học cho nhân viên là phân khúc phát triển nhanh nhất, đạt mức tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm trước. 29% còn lại là nhóm người dùng "cá nhân".
Chuyên gia dự báo, nhóm người dùng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là phân khúc phát triển trong vài năm tới với các công ty kinh doanh MOOC. Năm 2022, các nhà cung cấp MOOC hàng đầu có thể tiếp tục mở rộng các nội dung học tập thông qua các đối tác ngoài trường đại học.
Nguyên Chương (Theo EdSurge)