Gần đây, Tân Hoa Xã dẫn nguồn từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) cho biết sau 6 năm được chẩn đoán nhiễm HIV, ông Ôn Tống Thành, một nông dân ở Cát Lâm đi xét nghiệm lại đã có kết quả âm tính. Ông được nhân viên y tế thông báo nhiễm HIV năm 2001 trong lần tham gia hiến máu. Kết quả này được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Cát Lâm khẳng định lại vào 2003. Giáo sư Vũ Mẫn, thành viên hội đồng cố vấn HIV/AIDS của Bộ Y tế Trung Quốc nghi ngờ các kết quả xét nghiệm dương tính trước đây là không đúng. Theo ông, ngay cả khi không còn HIV sau điều trị thì các kháng thể chống virus này vẫn còn trong cơ thể, nếu kết quả dương tính trước đó là chính xác. Cơ quan chức năng y tế Trung Quốc đang tiếp tục kiểm tra các mẫu máu cũ được lưu giữ của ông Ôn Tống Thành. Còn tại Việt Nam, sau khi có thông tin trên, điện thoại của một số phòng tham vấn HIV/AIDS ở TP HCM liên tiếp bị "nghẽn mạch" bởi những cuộc gọi hỏi thăm thông tin. Nhiều người nghe đồn rằng đã có bệnh nhân người Việt Nam được các cơ sở y tế ở Trung Quốc chữa khỏi. Tuy nhiên, Thứ trưởng bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ bài thuốc nào chữa hết HIV/AIDS và cũng chưa có bệnh nhân nào ở Việt Nam khỏi bệnh: "Cách đây nhiều năm, báo chí Mỹ cũng có đưa thông tin tương tự nhưng rồi cũng phải cải chính". Cũng theo ông Huấn, hiện có một số bài thuốc cho người bị HIV/AIDS bằng thảo dược, nhưng đều chỉ có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Bác sĩ Đồng Văn Ngọc, người trực tiếp điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối ở Bệnh viện Nhân Ái TP HCM (Bình Phước), cho biết cách đây 10 năm thế giới cũng có một trường hợp nhiễm HIV có kết quả âm tính sau nhiều năm điều trị. Tuy nhiên, số bệnh nhân may mắn đó chỉ chiếm tỷ lệ 1/100 triệu bởi tiêu diệt HIV là việc cực kỳ khó, và còn phụ thuộc vào cơ chế miễn dịch tự nhiên của người bệnh có đặc biệt không. "Bệnh nhân ở Trung Quốc không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà cũng khỏi thì có thể do ở người này đã hình thành một cơ chế miễn dịch để phá huỷ những tế bào mang bệnh. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là dự đoán", ông Ngọc nói. Một chuyên gia dịch tễ học của Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho rằng, nếu kết quả xét nghiệm mẫu máu HIV/AIDS năm 2001 của bệnh nhân Trung Quốc cho kết quả dương tính nhưng xét nghiệm năm 2007 là âm tính thì cần xem lại mức độ chuẩn xác của xét nghiệm năm 2001. Không loại trừ khả năng mẫu xét nghiệm cũ bị sai hoặc có nhầm lẫn mẫu máu. Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu so với 33 triệu trường hợp nhiễm HIV trên thế giới thì 1-2 trường hợp bất thường như vậy là quá ít để đặt vấn đề có khả năng chữa khỏi HIV/AIDS. Nhiều hội nghị khoa học trên thế giới từ xưa và gần đây cũng khẳng định chưa có cách nào làm mất kháng thể HIV trong máu. Theo ông Dương Quốc Trọng, Cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS, cách đây ít lâu, tạp chí Bệnh truyền nhiễm của Mỹ cũng đăng tải ý kiến của các nhà nghiên cứu cho biết, nếu bắt đầu điều trị thuốc kháng virus sau khi nhiễm HIV thì có thể loại trừ hoàn toàn virus này ra khỏi cơ thể trong khoảng 8 năm. Thông tin này đã làm người bệnh khắp nơi trên thế giới "sôi sục". Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, một trong các nhà nghiên cứu ấy lại chỉ ra rằng, 4 trong số 7 bệnh nhân được nghiên cứu có tỷ lệ phân huỷ virus chậm hơn. Và họ cũng nhìn nhận rằng chỉ cần một vài tế bào nhiễm HIV còn tồn tại cũng đủ làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng trở lại nếu ngừng thuốc kháng virus. Những người này cũng khẳng định các chiến lược điều trị HIV hiện tại không thể loại trừ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị) |