Lười khổng lồ vẫn sống sót? |
Con vật huyền thoại này có tên là Mapinguari - tiếng thổ dân có nghĩa là "kẻ trấn giữ rừng rậm". Hàng nghìn thợ săn da đỏ kể rằng đã chạm trán với nó. Một trong những người này, ông Joao Btista Azevedo, nói rằng 20 năm trước, ông từng nhìn thấy quái vật Mapinguari trong một chuyến đi trên xuồng máy kéo dài 45 ngày xuyên qua rừng.
"Tôi đang làm việc trên sông thì nghe thấy tiếng hú, một tiếng hú ghê rợn" - ông Azevedo, nay đã 70 tuổi, kể lại - "Thốt nhiên, một hình thể giống như một người đàn ông đi ra khỏi bìa rừng. Toàn thân nó phủ một lớp lông rậm rạp, và... nó đi thẳng trên hai chân! Ôi, lạy Chúa! May mà nó không tiến lại phía chúng tôi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những gì xảy ra hôm đó".
Nhà điểu học David Oren, một cựu chiến binh, nhìn nhận những chuyện như vậy một cách rất nghiêm túc. Từ 13 năm nay, Oren đã thực hiện những chuyến thám hiểm vào sâu trong những cánh rừng nguyên thủy ở Nam Mỹ để tìm kiếm dấu vết của quái vật Mapinguari.
Gần đây, Oren mời những người đã trực tiếp gặp quái vật như ông già Azevedo nhờ chỉ đường để tìm kiếm "con quỷ của núi rừng" này. Ông đưa ra một giả thuyết rằng, quái vật Mapinguari chính là giống lười khổng lồ đi bằng hai chân trên mặt đất - giống lười mà người ta cho rằng đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm. Họ hàng gần gũi của chúng là những con lười leo cây ngày nay.
Tuy nhiên, Oren đã phải trả giá khá đắt cho giả thuyết này - vì đó ông phải mang tiếng là người không tưởng. Ông nói, trong thế giới của khoa học chính thống mang nặng tính bảo thủ thì danh tiếng là tất cả. Cũng vì thế mà hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ - tổ chức tài trợ cho Oren - đã gạt ông ra rìa. Và Oren đã phải tự bỏ tiền túi ra để nghiên cứu.
Đến chậm 13.000 năm?
Paul Martin, vị giáo sư danh tiếng trong ngành địa lý của Đại học Arizona, một chuyên gia hàng đầu về học thuyết cho rằng con người là thủ phạm gây ra sự tuyệt chủng của giống lười khổng lồ, là một trong những người phản bác gay gắt nhất giả thuyết của Oren.
"Tôi nghĩ rằng ông ta đã đến chậm 13.000 năm. Những điều ông ta theo đuổi cũng giống như việc người ta tìm kiếm loài thú chân lớn đã tuyệt chủng, hoặc quái vật ở hồ Loch Ness", Martin nói. "Phần lãng mạn trong con người tôi có thể thoả hiệp với những ý tưởng của David Oren. Nhưng trên phương diện khoa học, tôi lại không thể chấp nhận ông ta".
Oren biện lẽ cho giả thuyết của ông như sau: Giống lười khổng lồ có lẽ vẫn còn sống sót vì rừng rậm Amazon đã tạo ra nơi trú ẩn cho chúng, ngăn cách với thế giới loài người. Với diện tích rộng hơn Tây Âu, rừng Amazon được bao phủ bởi cây cối và kênh rạch rậm rịt, đủ chỗ để nuôi sống 30% động thực vật trên thế giới.
Theo các nhà khoa học, giống lười khổng lồ từng di chuyển hàng đàn dọc châu Mỹ. Bằng chứng là các hóa thạch của chúng còn để lại rải rác từ nam tới tây bắc châu Mỹ. Cách đây khoảng 10.000 năm, những con vật này đã di chuyển qua rừng rậm Amazon để kiếm mồi và trốn chạy khỏi sự săn bắn của loài người.
Tiến sĩ Claudio Padua, một giáo sư về sinh thái học ở Brasilia (Mỹ), là một trong số ít những nhà khoa học tin vào giả thuyết của Oren. Padua đồng ý rằng, rừng rậm Amazon hiện vẫn che chở cho hàng nghìn giống sinh vật chưa được phát hiện. Nếu Oren tìm ra lười khổng lồ thì "đây sẽ là phát hiện thế kỷ và sẽ có tiếng vang cực lớn". Padua cũng lưu ý rằng, trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm thấy 10 loài khỉ mới trong rừng Amazon.
Hành trình tìm kiếm quái vật của David Oren
David Oren có uy tín cao trong giới khoa học. Ông sinh ra ở Mỹ, nhưng đã đổi sang quốc tịch Brazil từ 20 năm nay. Ông đã chuyển đến sống ở Amazon năm 1977, sau khi đã làm việc nhiều năm cho bảo tàng Emilio Goeldi ở Belem - một trong những trung tâm nghiên cứu Amazon tốt nhất của Brazil.
Tháng 6 năm nay, Oren đã công bố một bài báo thứ hai với nhiều bằng chứng về sự tồn tại của giống lười khổng lồ. "Khi tôi viết bài báo đầu tiên về lười khổng lồ năm 1993, tôi không hề có cơ hội phỏng vấn những người đã từng bắn chết một con vật như vậy", Oren nói. Nhưng nay, Oren đã trích lời của 7 thợ săn (nói rằng đã từng bắn chết quái vật khổng lồ), và 80 người khác từng nhìn thấy nó.
Trong bài báo, Oren viết: "Họ kể với tôi rằng họ thấy một con vật cao khoảng 2 mét, rất khoẻ, bốc ra mùi khó chịu, di chuyển trên đôi chân nặng nề". Mùi khó chịu có lẽ bốc ra từ phân và thịt thối dính vào người và răng con vật.
Theo những điều Oren ghi lại, con vật có bộ lông dài xơ xác và bốn chiếc răng cửa lớn, có thể đi trên hai hoặc bốn chân. Nó phát ra những âm thanh lớn, tương tự như khi người gào thét, với những tiếng gầm gừ ở cuối. Trong những lần thám hiểm, Oren kể, ông đã từng hú vào màn tối của rừng rậm, và đã nghe được tiếng phản hồi của con vật.
Ở Brazil, Oren lưu giữ nhiều bức ảnh, trong đó có những bức chụp dấu chân sâu tới vài centimét với 3 ngón lớn của con vật. Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất trong câu chuyện của Oren là: những thợ săn từng bắn chết một con vật như vậy không hề giữ lại chút gì của nó, dù chỉ là một đoạn xương hay một cọng tóc.
Oren nói, ông muốn công bố bài báo này rộng rãi để từ nay hễ ai bắn được con vật này thì giữ lại một bộ phận của nó cho khoa học.
Minh Hy (theo Reuters)