Lịch sử từng ghi nhận bà Vassilyev sống vào thế kỷ thứ 18 ở Nga là người sinh nhiều con nhất thế giới. Bà Vassilyev là vợ cả của ông Feodor Vassilyev, một nông dân Nga. Ngoài bà vợ này, ông Feodor Vassilyev còn có người vợ thứ hai cũng có 2 lần sinh ba và 6 lần sinh đôi. Tổng cộng ông Feodor có 87 con.
Câu chuyện của gia đình Feodor Vassilyev đầu tiên được biết đến với công chúng sau khi một tạp chí của Anh xuất bản một bài viết về ông vào năm 1783. Viện Hàn lâm Khoa học Pháp cũng đề cập Vassilyev và các con của mình trong một bài viết năm 1878. Sách Kỷ lục Guinness công nhận ông Feodor Vassilyev là một trong những người đàn ông nhiều con nhất.
Theo một tài liệu được lưu trữ ở một tu viện địa phương ở Nga, từ năm 1725 đến 1765, bà Vassilyev đã sinh 16 lần sinh đôi, bảy lần sinh ba và bốn lần sinh tư. Tổng cộng trong 40 năm, bà đã sinh 27 lần và cho ra đời 69 đứa trẻ.
Các nhà khoa học, những chuyên gia sinh sản hiện đại đã phân tích về trường hợp này. Ông James Segars, Giám đốc Bộ phận Khoa học sinh sản và nghiên cứu sức khỏe phụ nữ tại Đại học Johns Hopkins, phải thốt lên "Lạy Chúa, 69 đứa trẻ. Đây là một điều không tưởng".
Về lý thuyết, một người phụ nữ có thể sinh nhiều lần hơn mức chúng ta nghĩ có thể. Đầu tiên, chúng ta hãy xem xét cơ sở toán học về trường hợp bà Vassilyev. Trong vòng 40 năm, bà sinh 27 lần là có thể. Đặc biệt các trường hợp sinh ba, sinh tư thường ngắn hơn ở mức bình thường.
Tính toán sơ: 16 cặp song sinh, mỗi lần 37 tuần; bảy lần sinh 3 mỗi lần 32 tuần; bốn lần sinh tư mỗi lần 30 tuần. Như vậy, tổng thời gian mang thai là 18 năm, chỉ chiếm một nửa thời gian đã ghi nhận.
Về mặt số liệu, chuyện sinh con này hoàn toàn có thể, nhưng thực tế là một vấn đề khác. Để bắt đầu, trước hết bà Vassilyev phải có đủ sức khỏe để mang thai liên tục trong một thời gian dài. Phụ nữ thường có kinh nguyệt khoảng 15 tuổi, và cứ khoảng 28 ngày lại rụng trứng một lần, thường là một quả. Quá trình rụng trứng tiếp tục cho đến khi trứng cạn kiệt, tức thời kỳ mãn kinh ở khoảng 51 tuổi.
Hầu hết phụ nữ không mang thai khi tuổi của họ bước sang ngưỡng giữa 40, vậy làm thế nào để đủ tới 69 đứa trẻ? Trước khi mãn kinh, khả năng sinh sản của phụ nữ suy giảm mạnh. "Tỷ lệ đậu thai mỗi chu kỳ của một người phụ nữ 45 tuổi là khoảng 1% mỗi tháng", Valerie Baker, một giáo sư sản khoa cho biết.
Phụ nữ càng lớn tuổi, số lượng và chất lượng trứng càng giảm. Một bé gái khi chưa sinh ra sẽ có khoảng 7 triệu tế bào trứng, nhưng khi chào đời giảm xuống chỉ còn khoảng 1 triệu. Và chỉ còn vài trăm ngàn trứng kéo dài được đến tuổi trưởng thành. Trong số này, về mặt khoa học có khoảng 400 nang trưởng thành để có thể rụng trứng, tức một người phụ nữ sẽ có khoảng 30 năm sinh đẻ tiềm năng.
"Hầu hết phụ nữ không mang thai ở ngưỡng sau 42, hay 44 tuổi. Mặc dù đôi khi cũng có những trường hợp ngoại lệ", Segars nói.
Hơn nữa, khả năng mang thai suy giảm sau mỗi lần mang thai sinh đẻ. Nếu bà Vassilyev cho con bú sữa mẹ (gia đình bà là một gia đình nông dân không đủ chi phí thuê vú nuôi) thì cơ thể sẽ không rụng trứng. Chuyện ông Feodor và vợ mình có con sau 50 tuổi phải nói là cực kỳ may mắn.
Các trở ngại để sinh được 69 đứa trẻ không dừng lại ở đó. Sinh con là một việc khó khăn, tổn hao nhiều sức khỏe của phụ nữ. Hơn nữa trong xã hội nông thôn Nga trước đây, gánh nặng lao động cũng là điều không thể tránh khỏi.
Tại các quốc gia phát triển, với dịch vụ chăm sóc sản khoa hiện đại, chẳng hạn như mổ lấy thai, đã cắt giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới thì tại Anh, chỉ 8/100.000 phụ nữ chết trong khi mang thai hoặc trong vòng sáu tuần lễ cuối thai kỳ. Trong khi đó, tại một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh, Sierra Leone, tỷ lệ này là 1.100/100.000 phụ nữ tử vong.
"Trong quá khứ, mỗi lần mang thai là một nguy cơ đối với cuộc sống của người mẹ", Segars nói. Đáng chú ý, các nguy cơ biến chứng trầm trọng, chẳng hạn như xuất huyết và tăng vọt với các trường hợp sinh ba, sinh bốn.
Thêm vào đó, việc sinh 27 lần sinh đôi, sinh ba, sinh tư của Vassilyev cũng cần xem xét lại. Về khoa học có 2 khả năng: hoặc nhiều trứng rụng được thụ tinh cùng lúc (cặp song sinh khác trứng) - hoặc một trứng thụ tinh duy nhất, sau đó chia thành nhiều phôi, dẫn đến cặp có mã di truyền giống hệt nhau.
Trên thực tế, khả năng này cũng hiếm xảy ra. Theo thống kê của Multiple Births Foundation, tại Anh vào năm 2012, cơ hội sinh đôi chỉ đạt 1,5% thai kỳ; sinh ba là 0,0003 của 1%, và sinh tư cũng cũng chỉ có 3/778.805 khả năng.
Các chuyên gia nhận định việc bà Vassilyev sống sót sau 16 lần sinh đôi cũng là khó khăn, huống gì còn vô số lần sinh ba, sinh tư khác.
Trong câu chuyện gia đình Vassilyev đã có 67 trẻ sống sót trên tổng số 69 đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, vào thế kỷ 18, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là rất cao, nhất là trẻ sinh thiếu tháng. "Thậm chí nếu bạn sinh tư vào ngày nay, tôi cũng không chắc tất cả đều sống sót", Segars nói.
Vậy thực tế, một người phụ nữ sinh được bao nhiêu con? Áp dụng vào thực tế ngày nay, việc một người phụ nữ sinh nhiều con là không giới hạn. Từ cuối những năm 1970, các công nghệ hỗ trợ sinh sản ra đời làm tăng đột biến các cặp sinh đôi, sinh ba…
Những năm gần đây, các nghiên cứu đều chỉ ra, giới hạn sinh sản của phụ nữ có thể vượt qua những gì chúng ta tưởng tượng. Buồng trứng của phụ nữ có chứa các tế bào noãn gốc, nếu được kích thích đúng cách có thể sản xuất số lượng trứng không giới hạn. Nếu áp dụng phương pháp kích trứng, sẽ có nhiều trứng rụng cùng lúc và sau đó cắt bỏ để thụ tinh ống nghiệm hoặc mang thai hộ. Xét theo góc độ này, thì một người phụ nữ có thể có khả năng làm mẹ hàng trăm nếu không phải hàng ngàn trẻ em.
Tất nhiên đây chỉ là trên ý tưởng, còn thực tế khả năng sinh sản của phụ nữ là giới hạn. Ngược lại nam giới sản xuất ra hàng triệu tinh trùng mỗi ngày và không bị giới hạn khả năng sinh con. Thành Cát Tư Hãn là một ví dụ điển hình. Ông là cha của hàng trăm đứa trẻ trên toàn bộ đế chế của mình cách đây 800 năm, và có khả năng đến nay có khoảng 16 triệu người là hậu duệ của ông.
Nếu áp dụng khoa học, thì phụ nữ hoàn toàn có thể bình đẳng với nam giới trong khả năng sinh sản.
Bảo Nhiên (Theo BBC)