Khánh, 17 tuổi, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, cách đây 3 tháng cậu thấy trên ngực mình có vài vết đốm màu trắng. Chưa kịp chữa trị thì bên má trái lại xuất hiện thêm một đốm to như ngón tay.
"Mẹ bảo đây là bệnh lang ben, xuất hiện khi em đang dậy thì. Chỉ cần mua thuốc bôi hay chữa mẹo là khỏi, không cần phải lo lắng", Khánh nói.
Do bị bệnh này nên mẹ đã "giới nghiêm" Khánh mùa hè này không được đi bơi ở bể công cộng. "Em cũng hơi ngại khi để các bạn nhìn thấy. Chỉ cần một câu nói 'Khánh ơi! Mày bị lang ben kìa', dù không ác ý nhưng nếu có mấy bạn gái đứng cạnh thì cũng hơi xấu hổ", Khánh gãi đầu.
Không được như Khánh, cô bé Phương Liên, 15 tuổi (Thanh Xuân) đang trong thời kỳ "khủng hoảng tuổi dậy thì". Em đau khổ vì chấm đỏ trên mặt.
"Cũng có bạn em bị lang ben, nhưng là màu trắng. Không hiểu sao từ ngày dậy thì em lại có duy nhất một vết lang ben màu đỏ bên má. Ban đầu nó nhỏ thôi, em cũng bôi mủ chuối xanh, bôi kem đặc trị mà vết đó cứ lan to hơn", Phương Liên cho biết.
Liên tâm sự, để giấu vết đốm của mình, em đã chọn các loại mỹ phẩm che giấu khuyết điểm. "Vết loang trên da đó chỉ mờ đi chứ không dễ gì che được", Liên nói.
Theo bác sĩ Lê Quang Lộc - nguyên trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Xanh - Pôn thì ở các nước có khí hậu nhiệt đới phổ biến có 3 loại nấm gây bệnh trên da. Bệnh hắc lào do nấm cạn, các bệnh đường sinh dục do nấm men Candida và lang ben do nấm mốc. Tất cả các loại nấm này ở xung quanh con người và có thể gây bệnh cho bất kỳ lứa tuổi nào.
Về nguyên nhân gây bệnh lang ben, bác sĩ Lộc cho rằng con người có 3 loại da: da dầu (nhiều kiềm), da thông thường và da khô (nhiều axit). Trong 3 loại da này, những người thuộc da dầu dễ bị các loại nấm tấn công nhất.
Thêm vào đó, môi trường, nhất là những nơi môi trường ô nhiễm và người lao động đồng áng dễ bị nhiễm nấm nhất. Bệnh có yếu tố di truyền.
"Bệnh lang ben xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chính là do cơ địa da của từng người và môi trường sống. Tuy nhiên, trong độ tuổi dậy thì, có vẻ bệnh này nhiều hơn, có người còn gọi đây là bệnh của tuổi dậy thì vì vào độ tuổi này cơ thể đang có những thay đổi từ trẻ em thành người trưởng thành, sức đề kháng kém hơn", bác sĩ Lộc giải thích.
Bước vào tuổi dậy thì, lượng mồ hôi tiết ra nhiều, các em mới lớn chưa biết vệ sinh cơ thể cẩn thận, lại hay dùng các loại mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm khiến sức đề kháng kém đi. Vì thế bệnh có vẻ nhiều hơn trong độ tuổi này.
Bệnh lang ben không gây tổn thương viêm loét cho da hay biến chứng gì nguy hiểm, chỉ có điều màu da có những chấm trắng, nâu, đỏ... khiến người bị bệnh ngượng ngùng, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan ra nhiều nơi trên cơ thể. Nhất là mùa hè sắp đến, khi đi ra nắng, bệnh sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu. Loại nấm gây lang ben ngăn cản sự hấp thu tia cực tím nên càng ra nắng thì các đốm càng sậm màu hơn.
Để chữa bệnh này, ngoài các mẹo dân gian thì có thể dùng thuốc uống và thuốc bôi. Trong đó, thuốc uống được đánh giá là nên dùng hơn bởi nó tác dụng nhanh (với điều kiện người bị lang ben không có bệnh gan thận), chỉ cần uống trong thời gian ngắn.
Về thuốc bôi phải bôi trong thời gian dài từ 6 đến 8 hay 12 tuần. Theo bác sĩ Lộc, khi dùng phương pháp này các thầy thuốc phải dặn dò bệnh nhân là loại nấm màu sẽ mất đi nếu điều trị đúng cách (bôi ngày một, bôi hết vùng da bị nấm). Tuy xét nghiệm không còn nấm nhưng phải rất lâu sau màu da mới trở về bình thường.
Ngoài lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, bệnh này cũng dễ lây truyền sang người khác. Do đó, không nên dùng chung quần áo, khăn tắm, chăn màn với người bị lang ben, cũng nên hạn chế đi bơi ở bể bơi công cộng vì nơi đây có vi khuẩn của người bị nấm.
Bác sĩ Lộc cũng khuyến cáo thêm, các em trong độ tuổi dậy thì nên vệ sinh cơ thể thường xuyên. Vào mùa hè nên tắm rửa ngày ít nhất một lần nhưng hạn chế dùng các loại xà phòng, dầu gội. Bạn gái trong độ tuổi này không nên lạm dụng mỹ phẩm.
Phan Dương