![]() |
Đài tưởng niệm những nạn nhân của Khmer Đỏ tại cánh đồng chết Choeng Ek. |
Những ngôi mộ tập thể này chất đầy những mảnh xương người, một số vẫn còn được bọc trong những mảnh vải rách nát.
Giữa cánh đồng, một đài tưởng niệm chất khoảng 8.000 đầu lâu, một số chiếc còn ghi dấu tích của những vụ tra tấn. Mỗi chiếc xương sọ là một mạng người, một sự sống bị huỷ hoại dưới thời kỳ Khmer Đỏ trong những năm 1970.
Thật khó so sánh các thảm hoạ nhưng một số nước cũng từng chịu những mất mát như Campuchia. 25 năm sau khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ và Pol Pot - nhà lãnh đạo khát máu của lực lượng này - nhiều người vẫn rất mơ hồ về những gì đã diễn ra trong thời kỳ của cơn ác mộng tại đất nước chùa tháp.
Cho đến tận giờ, công lý và sự thật vẫn chưa được tìm ra và chưa ai phải ra toà.
So Pheap, khi đó chỉ là cậu bé con, lắc đầu tỏ ý không tin nổi tại sao việc đưa những người liên quan đến thời kỳ đó ra xét sử lại mất nhiều thời gian đến thế. "Tôi không thể hiểu được", anh nói. "Tại sao lại lâu đến thế".
So Pheap, giờ đã 35 tuổi, nhớ lại anh đã bị cách ly khỏi bố mẹ và phải làm việc trên những cánh đồng cùng những đứa trẻ khác. Nhiều người đã chết trong thời kỳ đó và không ai có thể giải thích được vì sao.
"Tại sao họ lại giết nhiều đến thế?" anh thắc mắc, cũng như hàng triệu người Campuchia khác. Vấn đề Khmer Đỏ vẫn gây hoài nghi và là nỗi đau mang tính dân tộc.
Mới đây, những nỗ lực quốc tế tập chung vào việc đưa những nhà lãnh đạo Khmer Đỏ ra toà vì tội diệt chủng. Tuy nhiên, những phiên toà đó sẽ không đủ để gột sạch linh hồn của đất nước này. Campuchia cần một Uỷ ban Sự thật theo kiểu Nam Phi để làm rõ những gì đã diễn ra và gạt bỏ hận thù giữa các nạn nhân và những người người gây tội ác. Họ vẫn sống bên cạnh nhau tại đất nước đã bị làm cho bần cùng hoá này.
Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen, người từng là thành viên của lực lượng Khmer Đỏ, đã dành nhiều năm đàm phán với Liên Hợp Quốc để đưa ra những nguyên tắc xét xử tội diệt chủng.
Hai bên đã nhất trí sẽ mang những nhà lãnh đạo cao cấp của lực lượng đó ra xét xử nhưng chưa lập được toà án do những bế tắc chính trị. Thậm chí khi việc xét xử bắt đầu, chỉ một số ít những nhà lãnh đạo giờ đã cao tuổi phải đối mặt với công lý. Những phiên toà đó là cần thiết nhưng chưa đủ.
Các nạn nhân tại Choeng Ek đến từ Toul Sleng, nhà tù nổi tiếng ở Phnom Penh, nơi mà chế độ Khmer Đỏ mang những kẻ thù của họ, cả thực tế và tưởng tượng, đến để truy hỏi, tra tấn và giết hại.
Khmer Đỏ do Pol Pot, người từng du học tại Pháp đứng đầu, lên nắm quyền năm 1975 trong bối cảnh đất nước này chìm trong hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Mỹ từng trải bom ở Campuchia nhằm chặn đường tiếp tế từ miền bắc vào miền nam Việt Nam.
Sau khi Mỹ rút quân, Pol Pot dễ dàng lật đổ Lon Nol, nhà độc tài có tư tưởng bài cộng sản mà Washington ủng hộ. So Pheap vẫn nhớ cảnh những người dân ăn mừng trên phố trước sự kiện đó nhưng niềm vui ấy thật ngắn ngủi. Pol Pot muốn theo đuổi học thuyết ruộng đất mang tính không tưởng của Mao Trạch Đông. Ông ta yêu cầu mọi người rời khỏi thành phố để ra làm việc trên những cánh đồng.
Phnom Penh, một thành phố 2 triệu dân, bỗng trở thành thành phố ma. Thậm chí các bệnh viện cũng trống không khi toàn bộ dân chúng phải tham gia lực lượng sản xuất lúa gạo. Hàng trăm nghìn người chết vì làm việc quá sức, đói và bệnh tật.
Kế hoạch của Pol Pot là nhằm tạo một xã hội không giai cấp. Để thực hiện tư tưởng đó, ông ta đã kiểm tra tất cả những người có học, nghĩa là tất cả những ai học qua lớp 7. Những người dân tộc thiểu số, trí thức và sư sãi bị giết hại bởi tư tưởng cách mạng này.
Pol Pot, người từng mệnh danh là Anh cả đã chết năm 1998 và xung quanh chỉ là một nhúm bè lũ cùng hội cùng thuyền.
Nhưng Khmer Đỏ có hàng nghìn môn đồ, những kẻ thẩm vấn, tra tấn và giết người. Cũng giống như những nhà lãnh đạo hàng đầu, họ vẫn sống tự do.
Người Campuchia hiểu thực tế của thời kỳ đó. Họ biết rằng một số phải giết người vì nếu không tuân lệnh, bản thân họ cũng bị giết.
Cái mà đất nước này giống như một số quốc gia khác ví dụ như Iraq sẽ cần đến đó là tìm ra sự thật một cách có hệ thống.
Người Campuchia cuối cùng cũng phải có cơ hội để kể về câu chuyện kinh hoàng của họ. Họ cần có cơ hội để biết rõ những gì đã diễn ra và tại sao điều đó xảy ra.
Chỉ có khi đó họ mới tin lời hứa của các nhà lãnh đạo rằng sẽ không để lịch sử lặp lại. Chỉ có khi đó họ mới có thể sống mà không phải đối mặt với nỗi lo thường trực rằng điều kinh hoàng sẽ trở lại hoặc bị trả thù.
Chỉ có khi đó chúng ta mới biết tại sao một nhóm những kẻ cuồng tín lại có thể đẩy hàng triệu người đến cái chết trong khi phần còn lại của thế giới lại ngoảnh mặt đi.
Ngọc Sơn (theo San Francisco Chronicle)