Phần II
Diễn biến cuộc gây rối tháng 2
Ngày 29/1, Đồn biên phòng 729 bắt quả tang Rơ Lan Bon và Rơ Lan Dianh, người Gia Rai, trú tại buôn Ia Pla và Ia Mơ xã Ia Pia huyện Cư Prông mang nhiều tài liệu của Ksor Kơk có nội dung kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Ngay sau đó, từ Mỹ, Kơk liên lạc với các tổ chức quốc tế, chỉ đạo tay chân ở trong nước gây sức ép thả 2 tên này.
Ksor Kroih ở xã Biển Hồ, thị xã Pleiku khai: “Ngày 31/1, Ama Doan báo cho tôi nhận điện thoại của Kơk lúc 12 giờ khuya. Qua điện thoại, Kơk nói là mọi thứ ông đã sắp xếp với báo chí nước ngoài và với LHQ...”. Còn Jana, một người được Kơk tin cậy giao cho “chỉ huy” huyện Đăk Đoa và làm “tham mưu trưởng” địa bàn tỉnh Gia Lai cũng nói về công việc mà Kơk giao: “Ông Kơk nói việc Nhà nước thực hiện kế hoạch hóa gia đình là nhằm kìm hãm người dân tộc không được phát triển. Ông bảo chúng tôi phải tập hợp tin tức, số liệu về số người đi triệt sản, số vụ tranh chấp đất đai để ông viết báo... Kơk còn nói là cứ bán nương rẫy cho người Kinh rồi sau này mình lại lấy về..., cứ đưa người lên tỉnh, đã có người của LHQ, của Mỹ chờ đón ở đó và sẽ được nhận tiền, phân nhà. Ông bảo là phải đưa người khỏe, cảm tử, biết nói năng lên tỉnh... nếu bị thương không được đưa vào bệnh viện của chính quyền bởi có thể bị... tiêm thuốc độc”.
Sau vụ gây rối, hai anh em Y Soái và Y Chon Nie đã lên Công an huyện tự thú về hành vi gây rối trật tự an ninh của mình. Y Soái khá đẹp trai, nói năng lưu loát, có vợ là giáo viên. Chị vợ phản đối quyết liệt việc chồng đi theo Kơk. Y Soái khai: “Trong các buổi giảng đạo Tin Lành, tôi chỉ dành một nửa thời gian nói về đạo, còn lại là tuyên truyền theo lời ông Kơk là không được thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không được đưa trẻ đi tiêm vacxin vì trong đó có... thuốc độc. Bà H. ở buôn tôi có người nhà bên Mỹ gọi điện về bảo không được nghe theo Kơk vì ông ấy toàn bắt người Thượng ở Mỹ góp tiền để tiêu xài riêng... Lúc đó tôi không tin, bây giờ mới thấy đúng...”.
Trong cuộc gây rối ngày 2/2 tại Pleiku, Buôn Ma Thuột, các đối tượng quá khích đã có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tại Pleiku, chúng bắt trói NSND Y Brơm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin rồi bắt ông đứng ra tuyên bố “đất Tây Nguyên của Kơk” và “phải giao chính quyền cho Kơk”. Hai tay bị trói nhưng trước đám đông hằm hè, ông Y Brơm không hề run sợ. Ông cao giọng nói việc làm của chúng là sai, ông là NSND phải để cho ông được hát, được múa, được nghiên cứu bảo vệ văn hóa các dân tộc Tây Nguyên... Ngay lập tức, chúng giật loa và đánh ông.
Tại một số huyện ở Đăk Lăk, một số tên cầm đầu quá khích đã tìm cán bộ người dân tộc để trả thù vì họ vận động bà con không theo chúng. Ở thôn Chư Knia, xã Ea Bar huyện Buôn Đôn, bọn này đã đập phá nhà ông Ma Oăn, ủy viên MTTQ xã, chặt vườn cây, lấp giếng nước... Bọn cầm đầu còn bắt tất cả những thanh niên “hăng hái” đến ngủ tập trung để dễ huy động lực lượng khi cần. Nhưng từ ngày 5/2, khi các đội công tác vận đồng, giải thích bà con để họ gọi con cái về, vạch ra những việc làm vi phạm pháp luật thì nhiều người thấy mình bị lừa đã quay lại trả thù bọn cầm đầu. Có nơi bà con tự bắt và giải chúng lên chính quyền. Anh em công an lại phải vận động để mọi người không trả thù, bảo vệ tài sản cho bọn chúng. Từ ngày 7/2, hầu hết những tên cầm đầu đã ra tự thú, xin lỗi chính quyền.
Thủ đoạn của Kơk rất thâm độc. Chúng dụ dỗ, lôi kéo những thanh niên dân tộc trong sáng, thật thà. Trong cuộc gây rối ở Buôn Ma Thuột, có một người cầm loa hò hét rất hăng. Nhưng Công an huyện Ea Hleo đã xác minh được anh chàng này là Jut Nie Ksơn. Khi Ksơn trốn về buôn, người đầu tiên trừng phạt anh ta là mẹ và cô em gái đang học lớp 9. Bà đánh hắn và mắng: “Mày làm xấu mặt gia đình. Mày nghe thằng Kơk thì đừng ăn cơm của tao, đừng về uống nước buôn này nữa”. Khi được hỏi về lý do đi gây rối, Ksơn lúng túng: “Cháu đang tưới cà phê thì chúng nó bảo lên Buôn Ma Thuột... Ama Chăm nói là cháu còn trẻ, tiếng nói to thì cầm loa, bảo gì nói thế...”. Cả Bí thư Chi đoàn buôn và ông Trưởng thôn rất ngạc nhiên với việc làm của Ksơn vì anh ta rất thích đi bộ đội và đã trúng tuyển nghĩa vụ. Khi bị dọa không cho đi bộ đội nữa thì bà mẹ bật khóc, anh ta chỉ thiếu điều lạy... xin được đi.
Cuộc sống bình thường ở các buôn làng đã dần đi vào ổn định. Với một số gia đình đã trót nghe lời lừa bịp của kẻ xấu để bán đất, nương rẫy thì chính quyền các cấp đang tích cực vận động người mua trả lại cho họ hoặc xem xét cấp đất chỗ khác nếu có điều kiện.
(Theo ANTG, 14/3).
Tin liên quan: