Phần I
Những mưu đồ của nhóm tàn quân FULRO lưu vong
Ngày 22/9/2000, trong một biệt thự nhỏ ở Po Box 17064 thành phố Spartanburg bang Colorado (Mỹ) đã diễn ra cuộc họp “quan trọng” của đám tàn quân FULRO. Ngôi nhà này là của Ksor Kơk, người được Mỹ đưa đi học tham mưu từ đầu năm 1974 sau đó ở lại đây. Năm 1992, Kơk lập ra tổ chức “Hội những người miền núi” (MFI) và là Chủ tịch hội. Cuộc họp diễn ra trong căn phòng nhỏ, có trưng cờ của FULRO - lá cờ ba màu đen, vàng, trắng, ở giữa có hình con voi. Mở đầu cuộc họp, các thành viên đã “chào cờ” FULRO và hát “FULRO ca” với lời lẽ rên rỉ, bi ai...
Ksor Kơk tuyên bố lý do và hùng hồn nói, từ nay hắn là tổng thống nước "cộng hòa Đêga”. Gã chỉ trên bản đồ vạch ra một lãnh thổ kéo dài từ Quảng Trị xuống hết Bình Thuận. Kơk nói rằng, “nhà nước” này đã được LHQ công nhận và có 195 quốc gia trên thế giới đặt quan hệ ngoại giao(?). Kơk cũng giới thiệu hai trợ thủ của mình là Y Buen Buôn Dăp và Y Mut Mlô rồi cao giọng nói về sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đối với “nhà nước Đêga”. Hắn phát cho mỗi người trong cuộc họp một “chương trình hành động” đồng thời phân công người về Việt Nam để phát triển lực lượng. Dĩ nhiên, có một việc quan trọng hơn cả là mọi người dự hội nghị phải đóng tiền cho cái gọi là “vì tổ quốc, vì dân tộc”.
Với nhiều người đã từng tham gia lãnh đạo, chỉ huy FULRO qua nhiều thời kỳ thì Kơk không có chỗ trong trí nhớ họ. Họ chỉ biết rằng, vào cuối năm 1974, Y Bhăm là “đại tướng” chủ tịch FULRO có gửi thư giới thiệu Kơk, đeo hàm “thiếu tướng” với chức danh là “phụ tá” và là đại diện của Y Bhăm tại Mỹ... Đến năm 1975, quân Khơme Đỏ kéo vào Phnom Penh, xông thẳng vào trụ sở FULRO bắt “ngài” đại tướng FULRO cùng 5 viên thủ lĩnh thân tín khác để hành quyết. Kể từ đó không ai biết cái tên Ksok Kơk.
FULRO: Ra đời và tàn lụiSau Hiệp định Geneva năm 1954, Mỹ thay chân Pháp ở Việt Nam và dựng Ngô Đình Diệm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau khi nắm quyền, Diệm đã thay đổi hàng loạt chính sách với Tây Nguyên: xóa bỏ quy chế “hoàng triều cương thổ”, “tòa án phong tục”, sáp nhập những đơn vị người Thượng vào quân đội quốc gia và đưa đi phân tán... Từ đó đã phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc và phản ứng với chính sách của Diệm.
Đầu năm 1955, những người cầm đầu các dân tộc như Y Thinh Eban, Y Mot Nie Kđam, Y Say Mlô Buôn Du... đã dự kiến lập một tổ chức bí mật. Suốt năm 1956, nhóm này tuyên truyền gây ảnh hưởng. Năm 1957, Diệm phát hiện ra âm mưu và buộc một số thành viên của nhóm đi nơi khác. Cũng trong năm này, Bhăm, Enuol (người Ê Đê), Nay Luett (người Gia Rai) đã tiếp xúc với một số giáo sĩ nước ngoài trong Hội Truyền giáo phúc âm Liên hiệp Mỹ (CMA), các nhân viên tình báo Mỹ tại Sài Gòn, nhóm cố vấn chính trị thuộc MSU... Với mục đích phát triển lực lượng này để kiềm chế Chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã cung cấp tiền bạc để 2 người thành lập tổ chức.
Ngày 1/5/1958, bộ phận cầm đầu 11 người đã họp tại Pleiku bàn định kế hoạch hành động và quyết định lấy tên cho phóng trào là BoJaKaRa (âm tiết đầu của 4 tộc danh lớn ở Tây Nguyên: Ba Na, Ja Rai, Ka Ho, Ra Đê). Tháng 9/1958, phong trào này đã tổ chức nhiều cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên. Trước tình hình đó, Diệm thẳng tay trừng trị, giải tán biểu tình, bắt giữ hết những người cầm đầu như Y Bhăm, Y Thing Êban, Y Du Êban... Đến đầu năm 1959, phong trào này bị dập tắt nhưng nó cũng góp phần hình thành một đội ngũ “thủ lĩnh”, có “uy tín” chỉ đạo cuộc đấu tranh tiếp theo. Phong trào BaJaKaRa chính là tiền thân của FULRO và được coi là FULRO thế hệ thứ nhất.
Sau khi phong trào này bị trấn áp, Mỹ tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng để tạo dựng lực lượng chính trị, quân sự của mình ở Tây Nguyên. Họ tuyển lựa, huấn luyện các đội biệt kích, thám báo người dân tộc. Cũng trong những năm đầu thập kỷ 60, ở Campuchia xuất hiện các tổ chức mang tính chất dân tộc hẹp hòi, biệt lập, kỳ thị với dân tộc khác. Đó là Mặt trận giải phóng Miền Hạ (FLKK) do Châu Đa Ra cầm đầu, “Mặt trận Giải phóng xứ Chàm” do Les Kossen làm thủ lĩnh. Đến tháng 3/1964, do sức ép của Mỹ, chính quyền mới của Dương Văn Minh đã phải thả hết các thủ lĩnh của BaJaKaRa bị bắt. Các thủ lĩnh này thành lập một tổ chức mới với tên gọi là Mặt trận Giải phóng dân tộc Cao Nguyên (FLHPM) và trực tiếp gặp gỡ các cố vấn Mỹ để nhận tài trợ.
Ngày 20/9/1964, được Mỹ bật đèn xanh, FLHPM đã tổ chức bạo loạn đánh chiếm một số thị trấn, đồn lính, Đài Phát thanh Buôn Ma Thuột, rải truyền đơn, kêu gọi đoàn kết người Thượng và người Kinh phải rút khỏi Tây Nguyên. Chính quyền Sài Gòn đã dùng quân đội trấn áp, 8 ngày sau cuộc bạo loạn bị dập tắt. Bộ phận thủ lĩnh của lực lượng nổi loạn chạy sang Campuchia đóng trại ở tỉnh Mondolkiri. Tại đây, Y Bhăm đứng ra làm thủ lĩnh FLHPM. Đến tháng 6/1965, các tổ chức FLKK, FLC, FLHPM sáp nhập thành Mặt trận Đoàn kết Giải phóng các dân tộc bị áp bức (FULRO) và giương khẩu hiệu đòi quyền tự trị cho Tây Nguyên. Tổ chức mới này do Y Bhăm làm chủ tịch, một số phó khác như Châu Ra Đa, Kpă Kới. FULRO có hiệu kỳ riêng, lấy ngày 20/9 làm ngày kỷ niệm.
Đêm 17/12/1965, FULRO gây bạo loạn tại Phú Thiện, Phú Bổn, tàn sát dã man nhiều công chức, binh lính người Kinh. Sài Gòn lại phải dùng quân đội đàn áp dập tắt bạo động. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy 1968, Mỹ thúc ép Sài Gòn phải hòa giải để đưa toàn bộ lực lượng FULRO trở về. Ngày 1/2/1969, hầu hết lực lượng FULRO ở Campuchia, gồm 2.257 sĩ quan, binh lính và hơn 3.000 dân đã trở về “hợp tác” với chính quyền Sài Gòn. Mỹ cũng sử dụng FULRO vào việc phá hoại, gây tổn thất không nhỏ cho các căn cứ của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời kỳ FULRO thế hệ thứ 2.
Năm 1972, ở Đà Lạt và Campuchia xuất hiện một lực lượng “áo xanh miền núi” gồm các đối tượng FULRO cũ và một số thanh niên người dân tộc. Thực chất đây là tổ chức chính trị do Newman - giáo sĩ Tin lành người Mỹ ở Đà Lạt chỉ đạo và tổ chức. Cuối năm 1973, các thủ lĩnh FULRO đã móc nối với các tổ chức, cá nhân người Mỹ, đặc biệt là John Paul Van - Cố vấn tình báo Mỹ phụ trách công tác bình định. Biết rằng vai trò của Mỹ ở Việt Nam sắp chấm dứt và chính quyền Sài Gòn khó có thể tồn tại nên Mỹ đã quyết tâm gây dựng lực lượng FULRO hòng chống phá Việt Nam về sau này, phục vụ cho kế hoạch hậu chiến.
Mỹ tuyên bố ủng hộ FULRO đấu tranh giành tự trị, mặt khác đạo diễn cho FULRO bắt mối với cán bộ ta ở địa phương dưới danh nghĩa đi tìm người Mỹ mất tích mà thực chất là để thâm nhập nắm tình hình cách mạng và hợp thức hóa vai trò của FULRO sau này. Tháng 9/1973, Kpă Kới cùng một số đối tượng chạy ra rừng hoạt động bất hợp pháp, đặt bộ chỉ huy ở rừng Buôn Phan, cách Buôn Ma Thuột 20 km do Kới làm chủ tịch lâm thời, còn Y Bhăm nằm tại Campuchia ra chỉ thị lãnh đạo. Đầu năm 1974, FULRO hoạt động rất mạnh ở Đăk Lăk và chuyển sang Pleiku. Ngày 20/9/1974, chúng gửi thư cho Tổng Thư ký LHQ kêu gọi dư luận quốc tế can thiệp để chính quyền Sài Gòn thừa nhận FULRO là đại biểu duy nhất cai quản toàn bộ miền núi Nam Đông Dương.
Cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam xuân 1975 đã phá vỡ kế hoạch của FULRO và mưu đồ của các thế lực phản động quốc tế. Lúc này, địch chưa kịp triển khai cụ thể ý đồ sử dụng FULRO trong kế hoạch hậu chiến, trong khi Y Bhăm và số cầm đầu FULRO ở Campuchia bị Pôn Pốt giết. Sự liên hệ của FULRO với các thế lực bên ngoài bị gián đoạn... Tuy nhiên, lợi dụng lúc chính quyền ngụy tan rã, các đám FULRO trong nước cho là thời cơ đã đến nên nổi lên hoạt động vũ trang cướp vũ khí của quân đội Sài Gòn, chiếm cứ nhiều buôn làng, đòi chia sẻ quyền lực với chính quyền Cách mạng và tiến hành bắt cóc, ám sát cán bộ ta. Chúng thu gom phương tiện, vũ khí và số ngụy quân là người dân tộc để phát triển tổ chức. Từ tháng 6/1975, lợi dụng lực lượng tiếp quản vùng mới giải phóng còn mỏng, FULRO nổi lên hoạt động mạnh. Họ rải truyền đơn kích động người dân tộc, tổ chức hàng loạt các cuộc tiến công vào các đơn vị bộ đội, tổ công tác, các thị trấn, thị xã, phục kích, tập kích đường giao thông, bắt cóc cán bộ cơ sở. Nhóm cầm đầu FULRO đã cấu kết chặt chẽ và được sự giúp đỡ tích cực của một số nhà hành đạo ở Tây Nguyên. Đã có mục sư, chấp sự Tin lành người dân tộc trở thành sĩ quan FULRO.
Được sự hỗ trợ của lực lượng tình báo, các lực lượng vũ trang ở Khu 5 đã tổ chức tấn công, truy quét FULRO, vận động quần chúng thiết lập củng cố chính quyền Cách mạng. Đầu năm 1977, FULRO vẫn tiếp tục tuyên truyền, kích động gây hận thù dân tộc và tiến hành tập kích vũ trang. Y Djao Niê tổ chức lại FULRO đồng thời kêu gọi các nước Anh, Pháp, Mỹ và LHQ viện trợ. Từ năm 1982-1985, FULRO được các thế lực quốc tế và tàn quân Pôn Pốt tiếp sức, củng cố căn cứ ở Mondolkiri và đưa được các toán đặc biệt về vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lập “mật cứ” đón gián điệp, biệt kích, lực lượng lưu vong trở về như Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh...
Trong thời gian từ năm 1979-1985, hoạt động FULRO đã phá hoại cuộc sống bình yên của các thôn ấp, buôn làng, giết hại nhiều cán bộ, công an, dân quân và quần chúng tốt. Nhưng lực lượng CAND được nhân dân các đồng bào dân tộc ủng hộ đã đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, đấu tranh thắng lợi trong hàng chục chuyên án, làm tan rã nhiều nhóm FULRO và đưa họ trở về với cộng đồng.
Do nhận thức được bản chất phản động của FULRO nên nhiều người lãnh đạo lực lượng này đã trở về và được chính quyền tạo điều kiện cho họ xây dựng lại cuộc sống. Họ cũng góp phần đắc lực vào việc vận động, lôi kéo những người lầm đường khác quay về với chính quyền mới. Cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ đến ông Ya Duck, nguyên là đại tá, Đệ nhất Phó Thủ tướng FULRO, nay là Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng, hay ông Nay Guh, nguyên chuẩn tướng Tổng Tham mưu trưởng FULRO vẫn đang ở Đăk Lăk và được mọi người kính trọng... Bên cạnh đó việc xây dựng cuộc sống mới ở Tây Nguyên cũng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Khi LHQ đưa lực lượng quốc tế UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, FULRO hầu như không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Mỹ, tháng 12/1992, toàn bộ số FULRO còn lại gồm 407 tên cả phụ nữ và trẻ em do Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado.
Sau buổi lễ thành lập “nhà nước Đêga” mà thực chất là kế hoạch vô vọng phục hồi lại FULRO cũ, từ Mỹ, Ksor Kơk đã chỉ đạo tay chân chuyển tài liệu về nước, tuyên truyền, mở rộng mạng lưới và gây dựng tổ chức.
Nguyễn Như Phong, An Ninh Thế Giới.
(Còn tiếp).