IFL Science hôm 5/11 đưa tin, giới tính của cây trồng có nhiều biến thể đa dạng hơn so với con người. Ở nhiều loài cây ra hoa như họ hoa hồng, mỗi bông hoa là một bao chứa cả cơ quan sinh dục đực và cái. Nhiều loài hoa lưỡng tính đã phát triển các cơ chế phức tạp để đảm bảo chúng hiếm khi phải tự thụ phấn. Điều này giúp một loài thực vật tồn tại lâu dài bằng cách đảm bảo những cây khác nhau có sự pha trộn gene.
Một biến thể khác của giới tính cây trồng mang tên lưỡng tính, chỉ các loài thực vật sản sinh hoa đực và hoa cái riêng biệt trên cùng một thân cây. Ví dụ, đối với cây bí xanh hoặc dưa chuột, chỉ một số bông hoa mang bầu nhụy căng phồng ở gốc. Những bông khác không có bầu nhụy là hoa đực. Trong trường hợp khác gốc, nhiều loài cây có giới tính riêng biệt giống như con người. Mỗi thân cây chỉ ra một loại hoa đực hoặc hoa cái. Trường hợp này xảy ra ở nhiều cây lá kim và một số cây bụi có hoa.
Theo Caroline Wright, giảng viên khoa Làm vườn ở Đại học Nottingham Trent, Anh, thanh tùng là một trong những loài cây chia rõ cây đực và cây cái. Đôi khi, những bông hoa đực mọc trên cây cái và ngược lại. Cây thanh tùng Fortingall ở Perthshire, Scotland, được coi là cây đực trong suốt 3.000 năm vì nó sản sinh ra phấn hoa, nhưng các nhà thực vật học đã phát hiện ba quả đỏ mọc trên một nhánh cây hồi tháng 10, một đặc điểm chỉ có ở cây cái.
Có thể cái cây đã sản sinh ra biến dị, dẫn đến một nhánh phát triển khác biệt về mặt hình thái học với phần còn lại của cây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cây thực sự chuyển giới. Nhiều khả năng cây thanh tùng Fortingall sẽ còn ra nhiều hoa cái, nhưng trường hợp chuyển đổi hoàn toàn thành cây cái rất khó xảy ra. Những cây cái đòi hỏi nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn cây đực để tạo ra quả và hạt giống. Toàn bộ sự thay đổi sẽ gây áp lực lớn đối với một cây cổ thụ và dẫn đến nhiều rắc rối cho cây.
Phương Hoa