Năm 2011, thế giới lần đầu biết đến phòng thí nghiệm bí mật mang tên X, nơi Google cố gắng biến những giấc mơ của con người thành hiện thực. Tại đây, các kỹ sư, nhà khoa học tự do sáng tạo, thỏa sức thử nghiệm ý tưởng ngông cuồng, có thể đã hình thành trong họ từ thời thơ ấu.
Tám năm trước, Google chia tập đoàn thành nhiều thực thể và đặt dưới sự quản lý của công ty mẹ là Alphabet. Mục tiêu của họ là tách mảng kinh doanh cốt lõi - hệ thống tìm kiếm khổng lồ - với các dự án bên lề vốn cần thời gian phát triển nhưng có tiềm năng mang lại lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, chưa ý tưởng nào trong số đó thành công, nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ quảng cáo. Google đã đình chỉ phần lớn dự án "điên rồ", có thể kể đến kính thực tế ảo Project Glass, khinh khí cầu phủ sóng Internet toàn cầu, kính áp tròng có khả năng giám sát đường huyết của người dùng, hay điện thoại xếp hình Ara.
Ngay cả dự án tiên tiến, như phòng thí nghiệm xe tự lái Waymo và startup công nghệ chăm sóc y tế Verily, hiện cũng bị giới hạn bởi hoạt động kinh doanh bình thường. Waymo giữa tuần cắt giảm 8% nhân lực, tiếp nối động thái tương tự hồi tháng 1.
Đợt sa thải ở Waymo là ví dụ về thực tế mới tại Thung lũng Silicon, đánh dấu ngày tàn của những dự án đầy tham vọng và tốn kém.
Khi Thung lũng Silicon tiến hành cắt giảm chi phí, các dự án được xem là "điên rồ" sẽ chịu ảnh hưởng nặng, bởi chúng vốn viển vông, tốn tiền để thử nghiệm, trong khi chưa được thương mại hóa và chưa đem lại lợi nhuận.
"Big Tech từng tin mọi thứ họ chạm tới đều có thể thành công, thực tế không phải vậy", Roger McNamee, nhà đầu tư từng đổ tiền vào Facebook giai đoạn đầu, nói.
Lãi suất cao khiến các hãng công nghệ ngày càng khó tìm nguồn đầu tư cho các dự án đòi hỏi nhiều tiền. "Big Tech sẽ quay lại lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Họ sẽ sớm loại bỏ những thứ không mang lại lợi nhuận", McNamee nói thêm.
Các công ty như Google, Facebook, Amazon đều chuyển mình nhanh chóng từ startup thành người khổng lồ. Phương châm "tiến nhanh, phá vỡ mọi thứ", cùng hàng tỷ USD từ giới đầu tư mạo hiểm giúp họ thành công. Các nhà sáng lập cũng hiểu rõ mối đe dọa từ các startup đang nổi lên. Do đó, tạo ra những dự án đầy tham vọng, mạo hiểm và kỳ lạ được coi là biện pháp để tránh rơi vào tình trạng trì trệ, từng diễn ra với những công ty đi trước.
Khi Google trở thành công ty đại chúng năm 2004, nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã gửi thư đến các nhà đầu tư, cảnh báo họ đừng quá tập trung vào kết quả tài chính từng quý mà các doanh nghiệp truyền thống thường theo đuổi. Họ thành lập phòng nghiên cứu Google X, thúc đẩy những ý tưởng kỳ lạ và mạo hiểm, khuyến khích nhân viên tham gia dự án không liên quan đến công việc thường ngày.
Tuy nhiên, những dự án sáng tạo đó không giúp các hãng công nghệ lớn đối phó với startup. Thực tế, Apple, Amazon, Google, Facebook đã chọn cách chi tiền để thâu tóm hàng trăm startup và đối thủ cạnh tranh mới nổi trong 20 năm qua.
Từ bỏ dự án tham vọng cũng đánh dấu bước chuyển đổi trong quá trình "lão hóa" của Big Tech. Tại Amazon, nhà sáng lập Jeff Bezos từng mang tư tưởng tiên phong, mạnh dạn thử nghiệm điều mới lạ và xây dựng văn hóa công ty theo hướng này. Ông có tầm nhìn xa, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, khi Andy Jassy trở thành CEO Amazon từ 2020, văn hóa này đã thay đổi.
"Có phải Amazon không còn trưởng thành nữa mà đã bắt đầu lão hóa?", một số nhân viên đặt câu hỏi.
Meta đang đầu tư hàng tỷ USD cho canh bạc metaverse, dù không nhiều người tỏ ra hứng thú. Tuy nhiên, đầu năm nay, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố 2023 là "năm xoay quanh hiệu quả", cam kết loại bỏ nhiều tầng quản lý và tăng khả năng ra quyết định của công ty.
Áp lực kinh tế tác động tới ngân sách dành cho dự án tham vọng, nhưng không đồng nghĩa với những gã khổng lồ đã hết động lực đổi mới sáng tạo. "Chúng ta sẽ thấy các phòng thí nghiệm đi lên và đi xuống phụ thuộc tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng văn hóa sáng tạo sẽ không biến mất", nhà đầu tư nổi tiếng Peter Diamandis cho hay.
Điệp Anh (theo Washington Post)