“Về ngay, về ngay, bọn Tàu đánh ta rồi” – tướng Bảo nói với tôi.
Chúng tôi vội vàng quay về Hà Nội. Ngay hôm sau, tôi được cử đi mặt trận Lạng Sơn, nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất. Khi tôi lên đến Đồng Mỏ, nơi tỉnh ủy, ủy ban sơ tán về đó, thì quân xâm lược đang chiếm giữ nửa bên kia thị xã Lạng Sơn - nay là thành phố Lạng Sơn.
Nhiều nhà báo ở các báo trung ương cũng đang có mặt Đồng Mỏ. Chiều hôm sau, các chiến sỹ cho tôi cùng đi vào trung tâm thành phố. Có mấy chiếc xe UAZ chở các chiến sỹ cùng đi. Đi trước xe của tôi có xe chở nhà báo Nhật Isao Takano - thuộc tờ Akahata.
Vào gần đến trung tâm Lạng Sơn, các chiến sỹ bảo chúng tôi xuống xe. Lúc đó lính Trung Quốc vẫn đóng giữ bên kia cầu Kỳ Lừa. Chúng bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Đạn kêu chíu chíu, nổ ràn rạt trên đầu. Người chỉ huy hô to : Nằm xuống, tất cả nằm xuống. Các chiến sỹ chúng ta bắn trả. Tôi không quá lúng túng: đã nhiều lần đối mặt với bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ, nên cũng hiểu được phần nào quy luật của những loạt đạn đang nhằm về phía chúng tôi.
Khi bị quân ta đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rút về phía nửa bên kia của thị xã Lạng Sơn để lại chiến lũy chúng vừa dựng lên với những bức tường nhà dân bị tàn phá, đất đá, gạch ngói còn ngổn ngang.
Lúc ấy, tôi mới nhìn về phía nhà báo Takano. Nãy giờ anh vẫn đứng, đưa ống kính lên hướng về phía bên kia cầu Kỳ Lừa, nơi quân xâm lược đang chiếm giữ. Người chỉ huy hình như cũng nhìn thấy nên hô to: “Nằm xuống, nằm xuống ...”. Nhưng, Takano vẫn đứng, vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo ở chiến trường, bất chấp hiểm nguy.
Một loạt súng nổ chát chúa từ phía bên kia cầu Kỳ Lừa bắn sang. Tôi nhìn thấy Takano ngã xuống.
Các chiến sỹ chúng ta bắn trả ràn rạt. Khi mọi người chạy đến, Takano đã bất tỉnh, máu chảy đầm đìa... Anh được xe cấp cứu chở về tuyến sau, chở vào bệnh viện, nhưng do bị thương quá nặng, mất nhiều máu nên anh đã hy sinh.
Trên báo Nhân Dân lúc đó có đăng bài thơ của Huy Cận viết về nhà báo Nhật Takano, có câu: “Tay cầm máy ảnh, còn ghi nắng chiều...”. Đúng là buổi chiều hôm Takano hy sinh nắng vàng rực, nhưng không phải anh chỉ ghi nắng chiều mà anh đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử để công bố cho cả thế giới biết về một sự thật, đó là quân xâm lược Trung Quốc đã vô cớ tràn vào nước ta ...
Sau này, có người nói do Takano không biết tiếng Việt nên không nghe được tiếng hô “Nằm xuống”. Thực ra không phải vậy. Tuy chưa trò chuyện với Takano, những tôi biết anh nói được, hiểu được tiếng Việt. Tôi có quen biết bạn bè của Takano. Ngày trước, họ ở nhà khách gần tòa soạn báo Tiền Phong – cơ quan cũ của tôi.
Hình ảnh Isao Takano ngã xuống gợi cho tôi nhớ đến câu nói của ông tổng biên tập tờ Charlie Hebdo của Pháp, khi bị đe dọa. Chỉ ít lâu trước khi bị khủng bố tấn công và sát hại nhiều thành viên tòa soạn, tổng biên tập Charbonnier đã nói: “Tôi thà chết, còn hơn sống quỳ”.
Isao Takano không trực tiếp thuộc về bên nào trong cuộc chiến. Cuộc chiến đấu của riêng anh, cũng như của nhiều nhà báo chân chính khác, là với những sự thật bị che mờ, bị xuyên tạc. Kẻ thù của Takano không phải là “quân xâm lược Trung Quốc”. Kẻ thù của nhà báo ấy, là những xuyên tạc sự thực hay lãng quên lịch sử mà nhiều kẻ có thể sẽ tạo ra.
Họ phải đứng thẳng, đưa máy ảnh thẳng về phía “kẻ thù” của họ để chiến đấu – cho dù kẻ thù ấy sẽ bắn về phía họ những viên đạn thật.
Trong một cuộc chiến tranh, không chỉ có đạn pháo, tên lửa và những kẻ thù hữu hình. Biết sự thật, nhìn thẳng vào sự thật và nói cho những người khác biết về sự thật lịch sử cũng là một cách đấu tranh.
Đó là bài học mà Isao Takano đã để lại cho chúng ta. Một bài học tôi biết nhiều người vẫn chưa chịu hiểu.
Dương Xuân Nam