Với số lượng các hành tinh có thể tồn tại sự sống ngoài hệ Mặt Trời ngày càng nhiều, khả năng hiện diện những nền văn minh láng giềng trong vũ trụ có thể xảy ra. Theo IB Times, nghiên cứu do các nhà khoa học ở Đại học Open, Anh, tiến hành khám phá khả năng này bằng cách kiểm tra điều kiện ảnh hưởng đến sự sống trên hai hành tinh có quỹ đạo gần giống nhau. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Astrophysical Journal hôm 30/11
Nghiên cứu lấy cảm hứng từ sự kiện phát hiện hai hành tinh láng giềng Kepler 36b và Kepler 36c của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), có quỹ đạo xoay quanh ngôi sao Kepler 36. Chiều dài quỹ đạo của hai hành tinh chỉ khác biệt 10%. Theo tính toán, sau mỗi 6 - 7 năm, Kepler 36b và Kepler 36c sẽ đi sát qua nhau một lần.
Các nhà nghiên cứu tự hỏi khi hai hành tinh láng giềng tiến đến sát gần nhau theo định kỳ, điều này có tác động đến độ nghiêng của trục hành tinh hay không. Đây là một yếu tố quan trọng bởi thay đổi lớn ở độ nghiêng trục sẽ tác động mạnh mẽ đến khí hậu hành tinh. Biến đổi khí hậu không ảnh hưởng nhiều đến vi sinh vật, nhưng có thể làm giảm khả năng ra đời các tổ chức sự sống phức tạp hơn, khiến dạng sống thông minh khó tiến hóa để tạo nên một nền văn minh.
Trong trường hợp Kepler 36b và Kepler 36c, sự sống khó có thể tồn tại bởi chúng ở quá gần ngôi sao mẹ. Ngoài ra, nhiệt độ bề mặt của hai hành tinh lên đến 1.000 độ C. Nhóm nghiên cứu đặt ra giả thuyết phù hợp hơn về hai hành tinh giống Trái Đất có chiều dài quỹ đạo theo tỷ lệ 3:2 và nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống tính từ ngôi sao mẹ, nơi nước lỏng chảy trên bề mặt.
Các nhà khoa học giả định sự sống tồn tại trên một hành tinh và muốn tìm hiểu liệu nó có thể lan sang hành tinh còn lại hay không. Họ đưa ra tiền đề là vi khuẩn sinh sống trên đất đá có thể sống sót sau khi bị văng khỏi hành tinh, trôi dạt trong vũ trụ và đáp xuống bề mặt hành tinh khác. Một thí nghiệm trên tàu con thoi vào năm 1990 cho thấy, sau 6 năm ở ngoài vũ trụ, 30% vi khuẩn trong tinh thể muối vẫn sống sót.
Khái niệm sự sống lan từ hành tinh này sang hành tinh khác qua thông qua mưa thiên thạch được gọi là "lithopanspermia". Nghiên cứu cho thấy lithopanspermia dễ xảy ra nhất khi hai hành tinh có chiều dài quỹ đạo theo tỷ lệ 7:6, 6:5, 4:3 hoặc 3:2. Điều này có nghĩa, nếu sự sống xuất hiện trên một trong hai hành tinh, nó sẽ dễ dàng lan sang hành tinh còn lại.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận không phải loài sinh vật nào cũng có thể sống sót trong quá trình. Dù gấu nước, một động vật không xương sống siêu nhỏ, sống sót sau nhiều năm ở trong môi trường chân không, chúng không thể chịu lực tác động mạnh hoặc trôi dạt thời gian dài ngoài không gian. Vi sinh vật đơn bào là loài duy nhất có đủ khả năng du hành thành công từ hành tinh này đến hành tinh khác.
Quá trình tiến hóa từ vi sinh vật tới động vật thông minh cần hàng tỷ năm. Sự sống trên Trái đất mất hai tỷ năm để phát triển từ vi khuẩn tới sinh vật đa bào, và hơn tỷ năm nữa để hình thành trí thông minh và năng lực thám hiểm không gian. Với quá trình phát triển lâu dài như vậy, khả năng hai hành tinh có nền văn minh và công nghệ cùng xuất hiện trong một khoảng thời gian là rất nhỏ, dù chúng có chung tổ tiên hay sự trao đổi vi khuẩn liên tục diễn ra. Với những lý do đó, viễn cảnh những hành tinh láng giềng trong vũ trụ có nền văn minh tương tự nhau hầu như không thể thành hiện thực.
Thanh Tùng