Biết được nguyện vọng này, bác sĩ Levin mới nghĩ đến cách nhờ một phụ nữ khác đẻ giúp bằng cách thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng. Tuy nhiên, để thực hiện được ý định, ông Levin đã phải mất 9 tháng hợp tác với các luật sư, nghiên cứu luật của bang và của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để hiểu rõ hơn các khía cạnh pháp luật phức tạp của mối quan hệ mang thai hộ (còn gọi là làm mẹ thuê, đẻ thuê). Các khía cạnh về đạo lý của mối quan hệ mang thai hộ này cũng được nghiên cứu kỹ, có sự tham khảo ý kiến của nhiều chức sắc tôn giáo và nhà đạo đức học để đi đến một thỏa thuận không xúc phạm đến giá trị đạo đức của cộng đồng.
Cuối cùng, một "hợp đồng", còn gọi là "biên bản ghi nhớ" đã được soạn thảo rất kín kẽ, bảo đảm quyền lợi cho cặp vợ chồng vô sinh, người mẹ mang thai hộ và cả đứa trẻ. Người mẹ mang thai hộ lần đầu tiên trên thế giới đó đã được một nhóm thầy thuốc và các nhà hoạt động pháp luật khám, tư vấn rất kỹ lưỡng. Sau đó, theo thỏa thuận giữa người mẹ mang thai hộ và cặp vợ chồng vô sinh, người ta đã tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của người chồng vào đầu năm 1980. Người phụ nữ mang thai hộ đã thụ tinh ngay tháng đầu tiên và 9 tháng sau bay trở lại Lousville để các bác sĩ gây chuyển dạ. Chỉ vài giờ sau, bà đã sinh được một bé trai khỏe mạnh để trao cho cặp vợ chồng đang mong đợi. 5 ngày sau đó, người phụ nữ mang thai hộ trình diện trước tòa án để chính thức chấm dứt những quyền liên quan đến việc làm mẹ của mình và trao lại con cho người bố sinh học.
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục về mối quan hệ pháp lý với đứa trẻ, cặp vợ chồng nói trên đã rất sung sướng và bắt đầu nuôi đứa trẻ. Đó là tóm tắt câu chuyện về trường hợp mang thai hộ hợp pháp và có chuẩn bị kỹ lưỡng đầu tiên trên thế giới.
Sau thành công này, bác sĩ Levin đã được nhiều người biết đến. Nhưng ông cũng phải giải trình vấn đề này trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ cũng như trước nhiều cơ quan pháp lý của nhiều bang khác. Với những cố gắng của ông, khái niệm "làm mẹ thuê" đã dần dần được thế giới chấp nhận. Quy trình và cách thức tiến hành mẫu về việc làm mẹ thuê do Levin soạn thảo đã được các cơ sở có dịch vụ này trên toàn thế giới áp dụng. Nhờ có công nghệ của ông mà các cặp vợ chồng vô sinh ngày nay đã có thêm một sự lựa chọn để duy trì hạnh phúc gia đình. Năm 1981, Hội hoạt động cho công nghệ mang thai hộ (Surrogate Parenting Associates) đã chính thức được thành lập ở bang Kentucky do bác sĩ Levin đứng đầu. Cho tới nay, Hội đã giúp đỡ hơn 500 cặp vợ chồng vô sinh và tất cả đều thành công, không hề gặp một rắc rối nào với người phụ nữ mang thai hộ trong khi mang thai hoặc sau khi đẻ.
Tuy nhiên, người "nhờ mang thai" và người "được mang thai" đều phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định liên quan đến "công nghệ" mang thai hộ. Với người mang thai hộ, người bố sinh học đồng ý cung cấp đầy đủ bằng chứng tình trạng sức khỏe của mình về mặt thể chất, tinh thần và bệnh xã hội, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và tài chính cho việc sinh ra đứa trẻ, thanh toán mọi phí tổn trong quá trình mang thai, kể cả những xét nghiệm cần thiết sau đẻ; giúp đỡ về tài chính cho người phụ nữ mang thai hộ như đã thỏa thuận; thanh toán bảo hiểm cho người phụ nữ mang thai hộ...
Với người bố sinh học, người phụ nữ mang thai hộ đồng ý: cho làm thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người bố sinh học (không phải của chồng mình) cho tới khi có thai; không tìm cách có liên hệ tình cảm với đứa trẻ sắp sinh ra; cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe của mình (về mặt sản khoa, nội khoa, tâm thần, tâm lý); chấp nhận mọi nguy cơ của thai nghén...
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống