Sư ông Thích Đạo Tín và cháu Nguyễn Hữu Hiệp. Ảnh: CAND |
"Tôi từng thích đánh nhau, thích quậy phá, thích thử nếm trải tất cả mùi vị cuộc đời như những cậu con trai mới lớn khác", trong một phút hiếm hoi giãi bày về cuộc sống riêng tư của mình, sư ông Thích Đạo Tín đã nói như thế về mình khi chưa trở thành người nhà Phật.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 8 tuổi, sư ông lớn lên trong sự đùm bọc của các chị gái và vào học nội trú tại Trường Hoàng Đăng Miện, dành cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ ở thị xã Bắc Ninh.
Bỏ học giữa chừng, sư ông đi học lái xe và từ Bắc Giang vào tận Lâm Đồng kiếm sống. Tình cờ sống gần tu viện An Lạc ở thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, sư ông ngấm dần giáo lý nhà Phật và muốn đi tu.
Sư ông là con trai duy nhất trong gia đình có năm chị gái. Người cha đã quá cố của sư ông cũng là con trưởng. Áp lực nối dõi tông đường của cậu cháu đích tôn không phải là nhỏ. Nhưng rồi sự phản đối gay gắt của dòng họ, của các chị gái không cản được sư ông xuất gia.
10 năm tâm nguyện chưa thành
Năm 1997, khi chưa thọ giới và mới là chấp tác cho nhà chùa, sư ông Thích Đạo Tín đã có ý định san sẻ sự sống của mình cho người bệnh. Khi đó, sư ông ngộ ra lời răn "nội thí" của đạo Phật, đem những gì trong cơ thể mình giúp người khác. Nhưng trên thực tế, sư ông chưa có thông tin nào về các ca hiến ghép tạng.
Năm 2004, sau khi biết ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện, sư ông mới viết đơn xin hiến gan. Từ Lâm Đồng, sư ông lặn lội khăn gói vượt hơn 1.000 km ra Hà Nội làm các xét nghiệm. Nhưng các chỉ số xét nghiệm của sư ông không tương thích với cháu bé cần ghép gan.
Giữa năm 2007, tâm nguyện của sư ông mới dần được toại nguyện, khi một người đàn ông từ Hải Dương tìm lên Phú Thọ để xin sư ông cứu con mình.
Gia đình cháu Nguyễn Hữu Hiệp, người nhận thận của sư ông Thích Đạo Tín, có lúc tưởng như đã tuyệt vọng trong việc tìm người hiến thận cho con. Hiệp được phát hiện mắc viêm cầu thận từ năm 2 tuổi rưỡi, dần dần chuyển sang thận hư nhiễm mỡ và suy thận.
15 tuổi nhưng trông Hiệp giống một cậu bé 9-10 tuổi. Hiệp mới học hết lớp 3 vì tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện. Tháng 9/2005, Hiệp bị nhiễm siêu virus. Em sút cân, kém ăn, huyết áp tăng và lại phải "chung sống hòa bình" với việc lọc máu bổ sung.
Cả bố và mẹ Hiệp đều không đủ điều kiện sức khỏe hiến thận cho con, mạng sống của Hiệp chỉ có thể trông chờ vào nghĩa cử cao đẹp của ai đó... Bố Hiệp đã đôn đáo ngược xuôi, đôi lúc có những hy vọng le lói và rồi lại thất vọng.
Biết được tâm nguyện của sư ông Thích Đạo Tín, bố Hiệp tìm lên chùa Vĩnh Linh ở Phú Thọ... Sau một quá trình xét nghiệm khá dài, thận của sư ông hoàn toàn tương thích với cơ thể Hiệp. Sau ba năm trải qua nhiều cuộc xét nghiệm để tự nguyện hiến gan, hiến thận không thành, cuối cùng, ca ghép thận đã thành công.
Sát ngày phẫu thuật, sư ông báo tin cho một vài đồng môn của mình. Với các chị gái và người thân, sư ông dự định chỉ báo cho họ khi nào "sự đã rồi". Sư ông giải thích, không có người ăn xin, người cần "thọ thí" thì lấy ai để "bố thí", để tu tạo phúc đức. Nghĩ được như thế cuộc sống sẽ hài hoà, tốt đẹp hơn. Nghĩa cử hôm nay của sư ông cũng là để mong rằng, ai đó sẽ từ bỏ cái ác, quay về làm điều thiện.
Từ tu viện An Lạc, Lâm Đồng, sư ông ra ở chùa Vĩnh Linh, Phú Thọ, nơi chỉ có một mình sư ông. Chùa Vĩnh Linh đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng vẫn còn rất ngổn ngang. Hiện giờ, mọi việc từ sửa mái, lát nền, xây bếp, đến xây khuôn viên... vẫn còn dở dang.
Từ hôm sư ông đi phẫu thuật, mọi việc phải dừng lại. Sau khi hiến thận, sư ông lại trở về với ngôi chùa còn ngổn ngang. Sư ông còn có tâm nguyện suốt đời là được nuôi dưỡng nhiều trẻ em lang thang, người già neo đơn.
(Theo Công An Nhân Dân)