Cảm giác đó còn đặc biệt mỗi khi chào cờ ở nước bạn. Từng câu hát, từng nốt nhạc như dõng dạc kể lại một giai đoạn đau thương mà anh dũng của bao lớp người nằm xuống, dành lấy tên gọi cho một dân tộc từng bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Những lần ấy, tôi để ý thấy giống như tôi, nhiều người cũng đã rưng rưng trong niềm xúc động.
Nhưng có thể, một số người khác lại không có chung cảm nhận với chúng tôi. Đã có những ý kiến đề xuất thay đổi, hoặc sửa đổi quốc ca của Việt Nam với những lý giải khác nhau. Có người cho rằng hiện nay đất nước đã hòa bình, thống nhất, không nên gợi lại những ký ức chiến tranh. Ý kiến khác lại nói, ca từ của quốc ca có những hình ảnh đã xa lạ, không hợp thời, ví như câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” chẳng hạn...
Tôi được biết rằng, quốc ca Pháp được ra đời từ năm 1792, quốc ca Anh ra đời khoảng năm 1740, quốc ca Nhật là một bài cổ nhạc tồn tại trên 10 thế kỷ, còn quốc ca Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Dù có thể sau đó các bản nhạc này mới chính thức được quy định là quốc ca, nhưng nội dung hầu như không có sự thay đổi gì nhiều. Trong đó, phải kể đến phần lời của các bài hát trên, sẽ không khó để nhận ra những ca từ mang âm hưởng chiến đấu như: “Máu của họ đã rửa sạch vết bẩn của những bước chân hôi” (Quốc ca Mỹ); “Chúng ta hãy cùng chống lại sự áp bức / Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên” (Quốc ca Pháp); Đứng lên! Hỡi những người không muốn làm nô lệ! / Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới! (Quốc ca Trung Quốc) ...
Cùng với quốc kỳ hay tuyên ngôn độc lập, những bản quốc ca cũng góp phần tuyên bố sự tồn tại của một nhà nước. Có thể qua thời gian, quốc gia đó sẽ biến đổi, nhưng sự thật về lý do ra đời của nhà nước sẽ không thay đổi hay chối bỏ được, cũng như con người không thể tự chọn ngày sinh tháng đẻ của mình. Những sự thật ấy, đôi khi sẽ được biểu đạt lên lá cờ, hoặc bài hát của đất nước để nhắc nhở các thế hệ tương lai đừng quên quá khứ. Hình ảnh lá cờ Anh nằm ngay trên quốc kỳ Australia đã thể hiện một giai đoạn lịch sử mà nước này từng phụ thuộc vào Đế quốc Anh. Đến nay, tuy đã độc lập, nhưng người Australia vẫn chấp nhận lịch sử và không thay đổi họa tiết này trên quốc kỳ của mình. Có lẽ vì giờ đây, chính hình ảnh đó cũng đã được mọi người nhớ đến như sự đại diện cho nước Úc.
Dù là sinh ra trong hòa bình, tôi chưa bao giờ thấy quốc ca Việt Nam nói riêng và cả những câu chuyện đấu tranh trong lịch sử quá xa lạ với bản thân, và càng không đến mức phải né tránh hay lãng quên đi chúng. Nói thêm về giai điệu và ca từ của “Tiến quân ca”, cụ thể là đoạn “Đường vinh quang xây xác quân thù...”, có lẽ một cá nhân khó có thể kết luận về tính “hợp thời” của câu hát. Nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là một cách nói hình tượng về tinh thần tranh đấu. Chúng ta nên hiểu rộng hơn về hai chữ “quân thù”, bởi ngay cả trong chiến tranh cũng chẳng ai đem xác người đi xây thứ gì cả.
Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, giặc tham nhũng, bè lũ phản động ... chính là kẻ thù. Lẽ nào trên con đường vinh quang, chúng ta không nên bước qua xác của những kẻ thù ấy? Muốn có hòa bình, hạnh phúc, thời nào cũng đòi hỏi con người phải đấu tranh để diệt trừ cái ác, cái xấu, đó đã là một quy luật tất yếu.
Khác với những kỳ thi đấu thể thao, thường được tổ chức ở địa điểm khác nhau với chủ đề và bài hát khác nhau, quốc ca gắn liền với sự ra đời của các quốc gia. Qua đó có thể thấy, yêu cầu quan trọng nhất đối với quốc ca không phải là tính “hợp thời”. Sứ mệnh của quốc ca chính là mỗi khi được cử lên, nó sẽ đại diện cho sức sống, cho sự hiện diện của một đất nước toàn vẹn, tự do và có chủ quyền trên trái đất.
Có thể trong tương lai, bài quốc ca Việt Nam cũng sẽ có sự thay đổi, nhưng mong rằng chúng ta sẽ luôn hiểu, tôn trọng và giữ cho bản quốc ca được thực hiện đúng sứ mệnh lịch sử của mình, và giai điệu của quốc ca sẽ mãi đi cùng một “nước non Việt Nam ta, vững bền”.
Chu Ngọc Cường