Ngày 9/3, triển lãm Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966 khai trương tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) với khoảng 800 tư liệu. Trong đó, khá nhiều hình ảnh lần đầu được công bố.
Bà Trần Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Hội trường Thống Nhất) cho biết, trưng bày này nhằm làm rõ câu chuyện về dinh Norodom - biểu tượng của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ, được đổi tên là dinh Độc Lập năm 1954 và tồn tại gần 100 năm đến nay.
Trưng bày diễn ra tại ngôi nhà hai tầng xây từ thời Pháp, trong khuôn viên dinh Độc Lập.
Tầng một giới thiệu sự ra đời của dinh Norodom với bốn chủ đề: xây dựng đô thị Sài Gòn thời thuộc địa, dinh Norodom, những gương mặt Sài Gòn, Sài Gòn năng động.
Hình ảnh phố phường Sài Gòn xưa, sự ra đời của xe điện và các phương tiện giao thông ở thành phố này đầu thế kỷ trước, các tuyến đường lớn... được trình chiếu thành những bộ phim ngắn. Khách tham quan có thể vừa xem, nghe và tương tác để khám phá lịch sử bởi những thiết bị công nghệ.
Giai đoạn dinh Norodom được xây dựng và tồn tại từ năm 1868-1966 vốn ít người biết, nguồn hình ảnh và tư liệu rất hạn chế.
"Với nguồn tư liệu phong phú từ các trung tâm lưu trữ quốc gia ở Việt Nam, Mỹ và Pháp, trưng bày lần này sẽ diễn giải lịch sử một cách sống động, góc nhìn đa chiều về sự kiện lịch sử và bối cảnh của nó", bà Diệp nói và cho biết đây là kết quả hơn ba năm làm việc của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ở tầng hai ngôi nhà trưng bày tư liệu về sự hình thành và sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm cùng quá trình xây dinh Độc Lập. Sáu chủ đề liên quan đến nhân vật đổi tên và cho xây dinh Độc Lập gồm: gia đình trị, cuộc chiến giành chính quyền ở Sài Gòn, đời sống Sài Gòn, vụ ném bom đảo chính 1962, khủng hoảng năm 1963 và xây dựng dinh Độc Lập mới.
Trong đó, nhiều tư liệu về cuộc đời đầy biến cố của ông Diệm lần đầu được sử dụng, gây sự chú ý của nhiều khách tham quan như: hình ảnh ông cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên tháng 5/1955, ảnh Nguyễn Thành Phương và Trịnh Minh Thế đem quân về hợp tác và được ông Diệm đón tiếp long trọng, Lê Quang Vinh bị xét xử tại tòa án...
Triển lãm miễn phí tham quan trong hai tuần, từ ngày 10 đến 23/3.
Năm 1868, chính quyền Pháp cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm Sài Gòn một dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom. Từ 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương. Dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Tháng 9 năm đó Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, dinh là trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh của Pháp.
Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Gienève. Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và lên làm Tổng thống. Dinh trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị.
Ngày 27/2/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh. Do không thể khôi phục, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Công trình đang xây dựng thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính ám sát ngày 2/11/1963. Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu là chủ tọa lễ khánh thành và sống ở nơi này từ tháng 10/1967 đến tháng 4/1975.
Ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Ðộc Lập. Lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm trên nóc dinh, đánh dấu ngày thống nhất đất nước.
Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, hiện do Hội trường Thống Nhất (đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ) quản lý.