Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) xin bỏ 145,6 tỷ đã đặt cọc lô đất 3-9 tại Thủ Thiêm. Đây là đơn vị thứ hai, sau Tân Hoàng Minh, bỏ cọc trong bối cảnh 2 công ty trúng đấu giá còn lại vẫn chưa nộp tiền theo mốc 6/2 của cơ quan thuế.
Bỏ cọc, cộng thêm là gương mặt non trẻ trên thị trường (mới thành lập được 4 tháng 17 ngày), có ít thông tin hoạt động và còn khá bí ẩn khiến Công ty Bình Minh gây chú ý. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 24/9/2021, tức trước phiên đấu giá 2 tháng, trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 (tức trước phiên đấu giá khoảng một tuần) mới tăng vốn lên 200 tỷ đồng.
Dù xuất phát điểm vốn thấp hơn rất nhiều so với tài sản đấu giá, doanh nghiệp này vẫn đủ tư cách tham gia do Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện "có năng lực tài chính", hoặc điều kiện "không vi phạm pháp luật về đất đai" của nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Do thiếu các quy định cho hoạt động đấu giá, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP HCM đã ban hành Quy chế đấu giá, yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và cam kết năng lực tài chính. Tuy nhiên yêu cầu tự cam kết bằng văn bản để chứng minh năng lực tài chính này theo nhiều chuyên gia, chỉ mang tính hình thức.
Theo ghi nhận của VnExpress tại trụ sở của Công ty Bình Minh, khoảng 15h45 hôm 9/2, bảng tên, địa chỉ, số điện thoại được đóng khung xanh, chữ trắng dán bên ngoài tòa nhà 151 (địa chỉ đăng ký). Văn phòng của công ty ở tầng 2, nằm trong khu vực có nhiều phòng ban của một tổng công ty về ôtô. Dù trong giờ làm việc, văn phòng của Công ty Bình Minh đóng cửa, tắt đèn. Một số người làm việc gần văn phòng Bình Minh nói rằng không rõ thời gian, lịch làm việc của công ty này. Số điện thoại ghi trên biển hiệu của doanh nghiệp cũng không liên lạc được.
Trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm trình Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết lô 3-9, thành phố đưa ra giá khởi điểm 728 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh trúng đấu giá 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá ban đầu, xác lập mức một tỷ đồng một m2. Đây là mức giá cao thứ hai, chỉ xếp sau mốc kỷ lục hơn 2,4 tỷ đồng một m2 của lô 3-12 mà Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Báo cáo của Hiệp hội cũng cho hay, đa số (6/9) nhà đầu tư tham gia chỉ đánh giá giá trị thị trường của lô 3-9 trong tầm giá gấp 4 lần giá khởi điểm (khoảng trên dưới 2.920 tỷ đồng) mới khả thi để đầu tư phát triển dự án. Hiệp hội nhận định, mức trả giá của Công ty Bình Minh lên tới 5.026 tỷ đồng với đơn giá 1,03 tỷ đồng một m2 đất ở là "rất cao" so với mặt bằng giá đất của khu Thủ Thiêm cuối năm ngoái.
Theo ước tính của HoREA, với mức đấu giá thành công 1,03 tỷ đồng một m2 cho lô 3-9, giá thành sản phẩm dựa trên giá trúng đấu giá đất và quy hoạch với biên lợi nhuận 20% là 640 triệu đồng một m2 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Nếu tính theo số căn hộ được quy hoạch, giá thành chạm ngưỡng 78,6 tỷ đồng một căn. Giá bất động sản thành phẩm của lô 3-9 thậm chí cao hơn giá thành phẩm căn hộ của lô 3-12 mà Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích, giá trúng đấu giá của các lô đất tại Thủ Thiêm quá cao so với thị trường ở thời điểm tháng 12/2021. Nếu nhà đầu tư không nhằm "mục đích khác" và thực sự triển khai dự án nhà ở thương mại cao cấp hạng sang tại các lô đất Thủ Thiêm, có thể các đơn vị này đã quá kỳ vọng vào thị trường trong 5-8 năm tiếp theo.
Nhưng ngược lại, nếu nhà đầu tư bỏ cọc, các ảnh hưởng có thể, theo ông Châu, là bong bóng tài sản bị thổi phồng, lệch pha cung cầu nhà ở bị đẩy lên đỉnh điểm làm cho thừa nhà giá cao thiếu nhà giá rẻ. Ngoài ra, điều đáng quan ngại nhất là phần còn lại của Thủ Thiêm có thể khó "cất cánh" như lộ trình kỳ vọng và xuất hiện nhiều rào cản Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế.
Vũ Lê - Đức Minh