Tôi đã đọc nhiều bài viết của mấy bạn so sánh và chê mấy sinh viên thạc sĩ đủ điều. Đa phần các bạn đều đánh giá và so sánh theo lối tự nghĩ sao viết vậy. Vì các bạn chưa học tới trình độ đó nên cũng không trách có nhiều phần không chính xác.
Vậy có ai đã từng nghĩ giữa thành công về xã hội và thành công về học thức khác nhau ở chỗ nào chưa? Theo tôi nghĩ, một người thành công về xã hội thì cũng không cần đến bằng trung cấp. Các bạn hãy về miền tây xem mấy người chủ trại cá, có được mấy người có bằng trung cấp không? Vậy họ cũng có thể làm giàu không cần phải học bằng trung cấp.
Các bạn cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu người thành công nhờ bất động sản, chứng khoán… nhưng rồi cũng bao nhiêu người bây giờ tan nát tiêu điều. Còn nếu thành công trong học thức thì sẽ không bao giờ thất bại. Mười năm sau họ vẫn là những thạc sĩ cho dù cuộc sống hiện tại họ khó tới đâu.
Còn sự khác biệt giữa một người có trình độ cao và một người có trình độ thấp hơn thì rõ lắm các bạn. Nếu công ty mướn một người vào chỉ dọn dẹp văn phòng, nhà kho … thì không cần người có bằng cấp làm gì, chủ yếu sức khỏe tốt là được, hoặc mướn một anh phó giám đốc, giám đốc chỉ biết sai đâu đánh đó, giống như câu châm ngôn “Monkeys see Monkeys do” thì đúng là công ty chỉ cần mấy anh trung cấp tại chức là đủ rồi. Vì học càng thấp sai càng dễ.
Còn nếu công ty muốn đi lên thì họ nhất định phải mướn một giám đốc không chỉ có kinh nghiệm mà phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Các bạn có thể tìm kiếm những CEO của công ty lớn nước ngoài coi có ai trình độ “trung cấp” tại chức không?
Ngày đầu tiên tôi được công ty mướn về làm đăng nhập dữ liệu cho các văn phòng luật. Những người làm trước tôi đều có kinh nghiệm rất lâu và họ đã chỉ dẫn tôi lúc mới vào làm. Rồi một hôm, có một dự án cần hoàn thành gấp trong vòng 3 ngày, nên sếp kêu nhân viên vào họp và hỏi 3 ngày liệu có xong không?
Theo kinh nghiệm của những người làm chung, họ nói ít nhất phải mất 5 ngày làm liên tục, nhưng với thời gian như vậy thì khách hàng sẽ giao cho công ty khác. Vì tôi mới vào nên chỉ ngồi lắng nghe. Đột nhiên sếp quay qua hỏi tôi là “anh biết em là thạc sĩ phần mềm, vậy em có thể dùng bất kỳ phần mềm nào hỗ trợ không?”.
Lúc đầu tôi bối rối vì chưa hiểu vấn đề thế nào, nên tôi yêu cầu sếp nói rõ vấn đề, khi nghe xong, tôi ngồi suy nghĩ và tôi xin sếp cho tôi 1 ngày dùng C++ để viết và tốn 15 phút chạy phần mềm để hoàn thành dự án.
Vậy đấy, nếu người có kiến thức thì áp dụng vào việc làm sẽ đạt hiệu quả hơn, còn kinh nghiệm giúp bạn hoàn thành công việc, nhưng kiến thức sẽ giúp bạn phát triển và tiến xa hơn.
Nếu là một xã hội như Mỹ thì cơ hội làm giám đốc của những người bằng trung cấp khi đi xin việc ở các công ty là rất khó và hiếm. Vì nhiều công việc họ đòi hỏi trình độ ít nhất là đại học 4 năm, nếu bạn không có thì họ sẽ loại ra ngay từ đầu.
Theo tôi thì các bạn cứ học, càng cao càng tốt, càng nhiều càng tốt. Bởi ít ra các bạn đã thành công trong học thức. Gia đình của bạn , con cái bạn sau này cũng sẽ hãnh diện vì điều đó. Tôi không quan trọng là các bạn là thạc sĩ loại nào, vì có dù loại nào thì các bạn vẫn là thạc sĩ, là công sức , tiền bạc của bạn và gia đình đầu tư vào.
Tôi rất thấu hiểu các bạn, vì tôi rời Việt Nam sang Mỹ lúc 24 tuổi với kiến thức là tốt nghiệp “bổ túc văn hóa”. Tôi phải trải qua 10 năm học để có được bằng thạc sĩ phần mềm, nên tôi hiểu rõ kiến thức giữa một người tốt nghiệp bổ túc văn hóa và người là thạc sĩ như thế nào.
>> Xem thêm: Tại sao thạc sỹ văn chương loại giỏi đi làm công nhân thời vụ?
Chia sẻ bài viết của bạn về chuyện bằng cấp, lập nghiệp tại đây.