Các trung tâm thương mại của Mỹ thường có khu vực sân chơi cho trẻ con trong nhà. Ở đó có một bầy trẻ, đứa lớn đứa bé, với đủ màu da. Có những bé mới biết bò cũng vào chơi. Nhiều cha mẹ Việt chắc chắn sẽ hoảng hốt vì sợ con mình có thể bị làm cho bẹp dí trong lũ trẻ đang chơi đùa hỗn độn đó. Thế nhưng, không có em bé nào bị dẫm đạp cả.
Tại sao vậy? Bọn trẻ Mỹ từ nhỏ đi học hay ở nhà, thường được dạy là "be nice". "Be nice" được hiểu là cư xử lịch sự, có văn hóa. Ví dụ, vào sân chơi thì không dẫm lên nhau, không đánh nhau, không chửi bậy, hay giữ cửa cho người đi sau. Như thế là "be nice".
Thế nên khi ai đó nói rằng "She is nice", mọi người sẽ hiểu ngay rằng cô này cư xử rất là lịch thiệp, tốt.
Hồi bé đi học, phần đa thầy cô dạy "nice" là đẹp, là xinh, cho nên khi nghe "She is nice", nhiều người hiểu là cô ấy xinh đẹp. Thực tế, câu này được hiểu về mặt hành vi nhiều hơn.
Còn nếu muốn nói cô ấy xinh mà vẫn dùng "nice", người ta nói "She looks nice". "She is nice" cũng không hoàn toàn giống như "She is kind". Nhìn chung, "nice" là cái bên ngoài bạn quan sát thấy qua hành vi của một người, còn "kind" là tâm tính bên trong nhiều hơn.
Ví dụ, một người có thể cư xử rất "nice", nhưng chưa chắc là đã "kind". Có những người bề ngoài rất vui vẻ lịch thiệp với bạn, nhưng đến khi bạn gặp khó khăn chưa chắc đã giúp đỡ.
Ngược lại, một người có thể cư xử rất không "nice" với bạn, có thể mắng mỏ bạn, nhưng lại "kind". Cái này xuất hiện nhiều ở phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc, chàng tỏ ra lạnh lùng, thậm chí cư xử không "nice" làm cho nàng ghét, nhưng thực tâm lại âm thầm giúp đỡ và rất "kind" (tốt) với nàng.
Moon Nguyen
Giáo viên tiếng Anh