Tối 21/11, Nguyễn Thị Hồng Ánh cùng bảo mẫu và các chị em Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh quây quần bên máy tính, theo dõi Gala "Vì một Việt Nam tất thắng" - lễ trao giải cuộc thi mà Ánh là thí sinh. Do dịch bệnh, Hồng Ánh không thể có mặt trực tiếp tại sự kiện ở Hà Nội. Khi nghe người dẫn chương trình công bố giải nhất hạng mục hội họa, nữ sinh 15 tuổi phải hỏi lại người xung quanh lần nữa rồi mới dám đón nhận những cái ôm chúc mừng.
Vì một Việt Nam tất thắng là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học hướng tới công cuộc chống dịch của Việt Nam, dành cho những trẻ em yếu thế, gồm bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi. Suốt hơn hai tiếng Gala diễn ra, Hồng Ánh nhiều lần trào nước mắt trước những câu chuyện và chia sẻ của các bạn đồng cảnh ngộ.
Bức tranh đoạt giải của em mang tên "Ý thức là chính, dương tính không còn", phác họa hình ảnh y bác sĩ, người dân sát cánh bên nhau đẩy lùi Covid-19. Tác phẩm truyền đi thông điệp: khi mọi người cùng có ý thức, quyết tâm, cả nước sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Hoa, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban giám khảo, ấn tượng với sự sáng tạo của Hồng Ánh. Theo bà Hoa, tranh của Ánh bố cục cân đối với cách sắp đặt chủ thể vào chính giữa. Chủ thể được thể hiện qua nét vẽ chắc tay, biểu đạt tinh thần bất khuất, kiên trì và quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi Covid-19.
Tác giả cũng rất khéo léo trong kỹ thuật đặc tả như biểu cảm gương mặt, trang phục. Từng nét vẽ chỗ dứt khoát, mạnh bạo, chỗ linh hoạt, phóng khoáng đan xen nhau.
Tiến sĩ Hoa nhận xét thêm tranh có sự hòa sắc đẹp mắt, với tông lạnh chủ đạo cùng điểm nhấn màu đỏ cờ Tổ quốc và chiếc áo choàng đỏ của hình tượng chiến binh kiên cường.
"Lấy cảm hứng từ tác phẩm The starry night, tác giả đã kết hợp nét vẽ xoáy của bầu trời đặc trưng của Van Gogh với phong cách thể hiện riêng của Hồng Ánh. Tác phẩm của em rất chuyên nghiệp, như từ một họa sĩ thực thụ", bà Hoa nhận xét.
Hồi tháng 9, Hồng Ánh cùng anh chị em trong làng trẻ bắt đầu gửi tranh tham dự "Vì một Việt Nam tất thắng". Cô bé lớp 10 gửi hai họa phẩm nhưng ưng ý hơn với tác phẩm nói về sự đoàn kết, đồng lòng trong đại dịch.
Hồng Ánh kể, khi dịch bệnh bùng phát, em theo dõi tin tức và ấn tượng với hình ảnh các y bác sĩ ở TP HCM phải cắt tóc, hy sinh thời gian bên gia đình để tập trung chăm sóc bệnh nhân và làm nhiệm vụ chống dịch. "Em xúc động khi nhìn hình ảnh đó, cảm thấy biết ơn sự hy sinh thầm lặng của họ và thêm trân trọng cuộc sống này", nữ sinh trường THPT Lý Tự Trọng, Thạch Hà, tâm sự.
Cô bé cho hay, khi biết tin về cuộc thi, trẻ em trong làng háo hức tham gia, cùng bàn bạc, tham khảo ý kiến cho các bức vẽ của mình. Hồng Ánh tranh thủ thời gian buổi sáng không phải học online để vẽ. Em không nhớ phải tẩy xóa, vẽ lại bao nhiêu lần mới hoàn thiện tác phẩm. Sau ba ngày, nữ sinh hoàn thành bức tranh bằng màu sáp.
"Khó nhất với em là khâu phối màu vì phải tô làm sao cho đẹp, nổi bật nhân vật và thông điệp muốn thể hiện. Vẽ xong, em giấu đi, không dám cho ai xem", Hồng Ánh nhớ lại.
Hồng Ánh ước mơ trở thành họa sĩ từ năm lên bốn tuổi. Em chưa từng biết đến bố và sống cùng người mẹ tâm thần bất ổn trong ngôi nhà tình thương được hội phụ nữ địa phương trao tặng ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.
Sau khi sinh em, bệnh tình của mẹ tái phát, thường xuyên phải vào viện. Những ngày mẹ vắng nhà, Hồng Ánh lấy màu ra vẽ để đỡ nhớ mẹ, và tìm đến niềm vui trong màu sắc. Hội họa khi ấy là đam mê, nuôi dưỡng tâm hồn cô bé.
Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của chị Nguyễn Thị Anh, mẹ của Hồng Ánh, có lúc đã thuyên giảm, khiến chị có thể đi làm cỏ thuê kiếm tiền nuôi con. Nhưng đến năm 2018, sau khi sinh con thứ hai, chị Anh tái phát bệnh. Bố của đứa trẻ sau đó cũng qua đời, đứa con sơ sinh phải gửi ông bà chăm sóc. Những lúc không tỉnh táo, chị Anh quậy phá, la hét, đốt nhà. Gia đình phải đưa chị vào bệnh viện tâm thần. Hồng Ánh sống cùng bà ngoại và gia đình bác ruột một thời gian trước khi xin vào Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.
Năm 2020, người em cùng mẹ khác cha của Hồng Ánh được gửi vào làng. Từ đó, Hồng Ánh thay mẹ chăm sóc em. Từ ngày hai con vào trại trẻ, người mẹ thỉnh thoảng lại được người thân đưa tới thăm con.
Không còn mặc cảm như những ngày đầu, giờ Hồng Ánh lạc quan, vui vẻ và tự hào về mẹ. "Mẹ bị bệnh nhưng vẫn yêu thương các con. Vì thế, em phải vươn lên, học tốt để sau này có công việc ổn định, đền đáp công lao của mẹ", Hồng Ánh tâm sự.
Chị Trần Thị Hoan, bác dâu của Hồng Ánh, cho biết cháu gái vào làng trẻ mồ côi từ năm lớp 7. Mẹ của Hồng Ánh hiện đã về nhà, có thể làm những công việc nhẹ nhàng nhưng tinh thần vẫn không bình thường. Chị sống nhờ tiền hỗ trợ vài trăm nghìn mỗi tháng. Hai mẹ con thường liên lạc với nhau qua điện thoại.
Biết tin Hồng Ánh đoạt giải cuộc thi vẽ, chị Hoàn mừng cho cháu. "Hồng Ánh ngoan, nhanh ý và cố gắng học tập. Tôi vui khi thấy con trưởng thành", chị Hoan chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ Công tác xã hội của Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, cho hay Hồng Ánh có năng khiếu nghệ thuật. Con tự tin tham gia các hoạt động ở trường và trong làng trẻ. Tác phẩm của Hồng Ánh là một trong khoảng 50 tranh của các em trong làng gửi tới cuộc thi "Vì một Việt Nam tất thắng" và giành giải cao.
"Các con rất thích tham gia và bắt tay vào vẽ ngay khi tôi gửi thông báo. Giải thưởng Hồng Ánh đạt được sẽ tiếp thêm động lực để các bạn khác trong làng tự tin thể hiện khả năng và ước mơ", chị Trang nói.
"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng - BáoVnExpress cùng trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức; VTV Digital bảo trợ truyền thông.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) - đồng hành cùng chương trình. Từ đầu làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Vietnam Post đã nhanh chóng ghi dấu ấn khi ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ khoảng 300.000 nông dân đưa các loại nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ theo phương thức hoàn toàn mới.
Độc giả quan tâm có thể truy cập landing page https://vnexpress.net/doi-song/viet-nam-tat-thang và lựa chọn ủng hộ bằng cách truy cập vào ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng, quét mã VietQR của chương trình. Mỗi sự đóng góp của quý độc giả đều được Quỹ Hy vọng dùng hỗ trợ bệnh nhi, trẻ vùng cao, trẻ yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.
Bình Minh