Cha tôi, cả cuộc đời phục vụ trong ngành giao thông nước nhà. Ông có 4 năm ở chiến trường Khu 4 khi bom đạn vào lúc ác liệt nhất (1964-1968). Lúc đó, ông đảm nhận chức vụ Phó chỉ huy trưởng Công trường Thanh niên xung phong 3, quản lý tới 5.000 thanh niên xung phong bảo đảm giao thông ở tuyến lửa Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ông vốn xuất thân từ một anh thư sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, người thì gày yếu, lại mắc bệnh tim từ khi vào chiến trường Khu 4. Ấy vậy mà ông liên tục cùng các chỉ huy khác túc trực bên cạnh các chiến sĩ công binh khi họ tháo ngòi nổ bom Mỹ. Mỗi lần như thế, tim ông như muốn "bật ra khỏi lồng ngực vì rất sợ". Song để động viên người tháo ngòi nổ bình tĩnh hơn, ông và Ban Chỉ huy phải thay nhau đứng gần những người lính công binh. Sau đó, đến lượt thanh niên xung phong mới bắt đầu nhiệm vụ đào, đắp, tôn đường để thông xe.
Ông kể, sở dĩ ông dạn dày được như thế là nhờ vào chính những thanh niên xung phong trẻ trung, yêu đời, xem cái chết nhẹ tênh ấy. Họ yêu đời và rất hay hát, hát cả những lúc cận kề bom đạn và cái chết, rất kỳ lạ. Điều đó đã giúp ông vượt qua khó khăn khi trong mình đang mang nhiều trọng bệnh.
Ông kể nhiều về Ngã Ba Đồng Lộc, nơi có mười cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã anh dũng hy sinh như một biểu tượng của lòng quả cảm. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân Mỹ đã trút xuống ngã ba Đồng Lộc 48.600 quả bom các loại. Ngày 24/7/1968, Tiểu đội cả 10 cô gái trẻ đều hy sinh trong khi phá bom mở đường thông xe cho tiền tuyến.
Rồi ở Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An) vào ngày 30/10/1968, tiểu đội 2, đại đội 317 Thanh niên xung phong Truông Bồn cũng đã bị bom Mỹ tàn sát 13/14 chiến sĩ. Những thanh niên xung phong ngày ấy ở Truông Bồn đã phải hứng chịu những trận bom Mỹ tàn phá thật kinh hoàng, ngày cao điểm nhất có tới 131 lần họ hứng bom. Điều đau đớn là 13 chiến sĩ đó hy sinh khi chỉ còn 18 giờ nữa, Mỹ chính thức quyết định ném bom hạn chế miền Bắc. Cái tinh thần "Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể chia cắt"; " Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm" đã được họ tôi luyện như một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Hòa bình, cha tôi đã nhiều lần tâm sự với tôi nỗi day dứt về chế độ, chính sách mà Nhà nước dành cho lực lượng thanh niên xung phong.
Trong số 530.000 thanh niên xung phong chống Pháp và chống Mỹ (không kể vài chục nghìn thanh niên xung phong sau giải phóng tình nguyện làm kinh tế mới và phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam) mới chỉ có 4.952 người trên tổng số 10.000 người hy sinh được công nhận liệt sĩ. Hơn 680 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận là liệt sĩ, hơn 8.700 thanh niên xung phong bị thương cũng chưa được giải quyết chính sách chỉ vì... thiếu giấy tờ. Điều này đang trở thành nỗi day dứt khôn nguôi cho những người thân của họ và cả chúng ta.
Tôi nghĩ, giờ này, các cựu thanh niên xung phong đều đã ở lứa tuổi ngoài 60 đến trên 80. Đã tới lúc Nhà nước cần sớm điều chỉnh thủ tục giấy tờ xác thực, nhằm bớt đi phần nào sự phiền hà khi xét hồ sơ kê khai, đặc biệt là các đối tượng bị thương hoặc đã chết mà ai ở địa phương cũng đều biết rõ sự ra đi của họ.
Chúng ta không vô cảm, nhưng đừng cứng nhắc mà kéo dài thêm nỗi đau cho những người đã từng cống hiến tuổi trẻ, mồ hôi và cả máu trong những ngày Tổ quốc lâm nguy.
Quốc Phong