Trong đơn viết mời luật sư bào chữa cho mình ngày 31/1/2012, ông Đoàn Văn Vươn viết: "Tôi đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân, song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân sai phạm".
"Tôi đề nghị cho phép được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Công ty Luật Đông Đô (Hà Nội) là người bào chữa trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử".
Ông là một kỹ sư, một nông dân chính hiệu. Ông nhận thức rõ về sai phạm của mình. Cái sai mà ông không bao giờ muốn mắc phải.
Qua những việc làm của ông, người ta nhận thấy ông là người có học. Việc làm của ông trong ngày 5/1/2012 là việc làm bất đắc dĩ. Ông mời luật sư để "bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân sai phạm".
Nói ông là người có học. Nhưng nếu đem "sự học" của ông so sánh với mấy quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng thì chắc chắn ông Vươn khác biệt mấy quan chức kia nhiều lắm.
Người ta nói: mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, trong khi ông Vươn "đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân" thì các quan chức kia mặc dù có "sự học" để được ra làm quan vẫn kiên quyết không nhận sai phạm của mình.
Chỉ đến khi Thủ tướng kết luận vụ việc, một số quan chức kia mới " nghiêm túc kiểm điểm"; nguyên nhân mắc lỗi của họ là do "nhận thức đơn giản sự việc"...
Tưởng chừng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các quan chức của Tiên Lãng, Hải Phòng đã và chưa được kiểm điểm sẽ "nghiêm túc kiểm điểm". Nhưng rồi dư luận một lần nữa phải bàng hoàng vì cái sự "nhận thức đơn giản" như vậy.
Mong rằng quan chức vụ Tiên Lãng hãy nhận thức được việc mình đang làm.
Lê Kim Thơ