Nước mắt của cô gái gây tai nạn ngày 20/10 ở Đăk Lăk làm tôi nhớ lại thời mới lấy bằng. Có điều, tôi may mắn ở chỗ không gây ra tai nạn nào. Còn cô, hẳn giờ đây đang ước cuộc đời có nút quay ngược và vật lộn với hai chữ "giá như".
Nhiều năm trước, dù trải qua vô vàn cuộc thi, thì tôi, cán bộ nghiên cứu 22 tuổi vẫn sung sướng, hãnh diện tột cùng khi được cầm bằng lái. Nó giống như chứng chỉ cho sự hòa nhập cộng đồng, là thẻ bài để tự tin đi cùng đàn anh. Sau này, thật kỳ lạ là nhận bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ, tôi cũng không có cảm giác đó.
"Em có bằng rồi", là câu tôi thích nhất, mỗi lần ngồi lên xe ai đó. Dĩ nhiên hồi đó tôi chưa có xe hơi. Tôi nói câu đó, như để xác nhận trình độ và trên hết, sâu xa hơn, muốn nhắc nhở "nếu cần, anh cứ để em lái. Khỏi lo". Khi chưa có bằng, tôi ngoan ngoãn ngồi ngắm tài xế. Có bằng rồi, tôi bứt rứt khôn nguôi. Chỉ mong tới chỗ dừng, để có cớ xin các anh cho cầm vô-lăng một đoạn.
Những ông anh đó, thật nhàm chán, không tỏ vẻ hào hứng. Họ chỉ gật đại, à ừ dăm câu không rõ nghĩa. Tôi cảm thấy bị xúc phạm vì rõ ràng có người không tin trình độ của mình. Thế thì liều. Một lần thấy đoạn đường đẹp tôi hắng giọng: "Anh cho em lái cái. Ngồi mãi mỏi quá".
Có tác dụng ngay, ông anh tôi tấp lề, chuyển chỗ. Tôi lên ghế lái như ngôi sao. Cũng cài dây như thày nhắc. Chỉnh ghế, thử vô-lăng như ai. Xong rồi hạ phanh tay, đạp côn vào số. Xe giật đùng đùng rồi chết ngắc. À, ra côn nhanh quá mà chưa mồi ga. Tôi cố vẻ bình tĩnh, coi như lỗi nhỏ. Ông anh vẫn lặng thinh.
Lần thứ hai thì xe đi được, nhưng số má vẫn giật cục quá. Kệ, chắc tại chưa quen xe. Xe ở trường thầy khen tôi lắm. Thực hành 100/100. Có tệ thế này đâu. Anh tôi vẫn chăm chú nhìn đường, không mở miệng một câu.
Đường thoáng, rộng nên quãng 2 km chẳng khó khăn. Lái xe kể ra cũng dễ, không như người ta vẫn dọa. Đến một cái dốc thì chuyện xảy ra. Ở trường, tôi đề-pa ngon lắm. Nhưng dốc này cao quá, mà xe lại đông. Tôi cho lên từ từ, bám sau một xe máy. Đến đúng lưng chừng, cái xe máy đáng ghét tự dưng quay đầu làm tôi phanh dúi. Đứng dựng giữa dốc. Đề-pa mãi không được, vừa chớm côn cái đã chết máy, chưa cả kịp nhả phanh tay. Tôi tóa mồ hôi. Xe phía sau còi inh ỏi.
Tôi run, tâm thần phân tán. Mắt nhìn như không nhìn, tim đập như không đập. Chân chưa liệt mà sao cứ ngắc ngứ trên sàn. Tôi không còn nhớ lời thày dạy. Chả thấy tiếng máy đâu. Chỉ mong sao thoát khỏi chỗ này. Nhưng xe không lên mà trôi đánh rầm. Chết rồi. Tiếng còi, tiếng quát làm tôi càng hoảng. Cứ nhả côn, đạp ga liều chết. Xe lao lên phía trước như bay, chẳng biết đi về đâu. Anh tôi nhoài sang cướp vô-lăng, đánh thẳng. Kéo phanh tay với một lực mà tôi nghĩ có cả lòng căm thù trong đó. Xe tắt máy đứng khựng. Mắt tôi nở hoa, chết lặng. Chỉ còn lại những đốm sáng li ti lẫn trong vị nước mằn mặn.
Đó là bài học đầu đời. May mắn tôi không gây họa cho ai.
Các bạn ạ, cái bằng chưa chứng tỏ trình độ. Nhiều người coi nó là sự kết thúc, sau nhiều ngày tập lái. Nhưng hóa ra nó là sự khởi đầu, cho giai đoạn "lái mới". Những gì chúng ta học ở trường chỉ là kỹ năng trong không gian rất nhỏ. Còn kinh nghiệm và kỹ năng đời thực thì rộng lớn biết bao nhiêu.
Nhu cầu chứng tỏ có ở bất cứ ai, nhất là với người trẻ, người mới có bằng. Nhưng, các bạn hãy bình tâm. Cái bằng có hạn tận 3 năm, 5 năm và giờ là 10 năm. Còn nhiều thời gian để chúng ta thể hiện. Hãy làm quen với thực tế, giống như những đứa trẻ tập đi, bằng việc luyện lái ở đường vắng, khu vực an toàn. Sau đó ra đường lớn với tâm ý "an toàn là trên hết". Không ai chê người lái mới, chỉ chê kẻ đi liều.
Còn nếu không có xe, hoặc được người khác "mời lái", bạn nên làm quen thật cẩn thận. Chỉnh tư thế ngồi phù hợp, an toàn, đạp phanh đủ lực, lái vừa tầm tay. Chỉnh gương cho đúng tầm quan sát. Tìm hiểu cách chọn số để chủ động. Coi an toàn như chính uy tín của bạn.
Và hơn hết, nếu gặp "lái già" nào có vẻ chưa tin tưởng, hãy coi đó là bình thường. Người từng trải họ biết hết những tình huống có thể xảy ra. Lái mới, chỉ nhìn thấy vài chục mét trước vô-lăng. Còn lái già, họ nhìn thấy cả cuộc đời bạn. Đừng đánh mất tương lai, đừng đưa mình vào những hoàn cảnh éo le để phải thốt lên hai chữ "giá như".
Giờ đây mỗi khi ai đó mới có bằng hỏi "Anh để em lái nhé?", tôi rụng rời tay chân. Và mỗi khi ai đó dán tấm giấy "Lái mới, xin thông cảm", tôi lại nở nụ cười. Lái mới, giống như tuổi thơ, xấu hay đẹp đều tùy thuộc ta cả.
Nam Nguyễn
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả