Khi tất cả mọi thứ diễn ra trong cuộc sống chúng ta ngày nay liên tục “được” số hóa, khi chúng ta bắt đầu lưu giữ lại khoảnh khắc tuyệt vời bằng những“bộ nhớ điện tử”, từ chiếc điện thoại đơn giản cho đến chiếc máy ảnh phức tạp, là khi chúng ta quên đi những giác quan của mình mới là “thiết bị” tinh tế nhất. Đứng trước một vùng đất đẹp, chúng ta sẽ lưu giữ hình ảnh về nơi đó bằng thị giác. Cũng giống như vậy, khi thưởng thức một món ăn ngon, chúng ta sẽ lưu giữ chúng bằng vị giác của mình. New Zealand mà chúng ta nhìn thấy trên sách báo là New Zealand của người khác, và ta chỉ có thể cảm nhận được vài phần trong đó, phần còn lại phải do chính bản thân ta trải nghiệm.
Tôi đã dành thời gian của mình tìm hiểu về nền ẩm thực New Zealand, và dù những hình ảnh đó được chụp lại sống động đến đâu, vẫn chưa đủ khiến tôi phải “nhớ” về nó, vì từ “nhớ” chỉ được dùng khi bạn đã từng trải qua cảm giác đó mà thôi. Tôi viết bài viết này một phần để gợi nhớ lại những món ăn quê nhà trong lòng những người con New Zealand xa xứ, những người đã từng đặt chân đến, những người cũng khao khát muốn biết về vùng đất này như tôi, phần khác để tôi mở được cánh cửa đến New Zealand. Tôi viết về New Zealand, tôi viết về ẩm thực, Thử nghĩ về KimChi Hàn Quốc, Sushi Nhật Bản, Sô cô la Bỉ hay Bánh mì Việt Nam, chẳng phải những món ăn đó trở thành một hình ảnh của đất nước sao? Khi nhắc về New Zealand chúng ta có gì? Có rất nhiều.
Ẩm thực New Zealand là sự giao thoa của ẩm thực Vương quốc Anh và người bản xứ Maori, rồi những ảnh hưởng từ ẩm thực Australia, Đông Nam Á, Tây Á, và Ấn Độ. Vì vậy tôi nói New Zealand “Có rất nhiều”. Để có được sự đa dạng đó, New Zealand phải trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, sau mỗi món ăn, đều có những câu chuyện, những ý nghĩa khác nhau, và cứ thế họ truyền từ đời này sang đời khác.
Bánh Pavlova
Bắt đầu từ những chiếc bánh Pavlova nhẹ như mây, xốp và mềm, nhưng đủ mạnh mẽ để phá tan những chuẩn mực cơ bản của những chiếc bánh ngọt thông thường, những chiếc bánh không hề dùng đến bột mì. Và đằng sau nó là môt câu về một nghệ sĩ Ballet hàng đầu thế giới - Anna Matveyevna Pavlova người từng lưu diễn tại NZ. Với mỗi động tác của mình, cô đều cho khán giả thấy đó không chỉ là nhảy múa, mà là đang lướt bay trên sân khấu. Và chính màn trình diễn ấy đã trở thành cảm hứng cho những đầu bếp tại đây và chiếc bánh Pavlova nhẹ như mậy này đã được lấy theo cô. Một món bánh thanh tao.
New Zealand Meat Pie (Bánh Pie nhân thịt kiểu New Zealand)
Mặc dù New Zealand không phải là quê hương của những chiếc bánh Pie nhân thịt, nhưng đất nước này đã hoàn thiện và làm cho món bánh có nguồn gốc từ Anh này trở nên phổ biến hơn từ những ngày còn là thuộc địa. Ở bất cứ thời điểm nào, người Kiwi vẫn luôn không ngừng học hỏi và tiếp thu những nét văn hóa mới. Và người dân nơi đây cũng có cách riêng của mình để làm ra món bánh Pie đậm chất New Zealand, bánh Pie từ thịt Kiwi chế biến cùng với nấm, phô mai. Đó là một trong những món bạn có thể tìm thấy ở các quán ăn hay trạm dừng tàu điện ngầm, một phiên bản đặc biệt khác với món bánh Pie tại “đất mẹ”.
ANZAC Biscuit (Bánh quy ANZAC)
Bánh quy ANZAC là một loại bánh đặc biệt về thành phần cũng như nguồn gốc ra đời của nó. ANZAC chính là từ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps (Liên minh quân đội Australia và New Zealand). Vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ nhất, vì không có đầy đủ nguyên liệu nên quân sĩ dùng tất cả những nguyên liệu có được như si rô, dừa, yến mạch và bột mì để làm ra món bánh đặc biệt trong bối cảnh đầy khó khăn và khắc nghiệt. Và cũng chỉ còn vài ngày nữa thôi sẽ đến “Ngày ANZAC” – Ngày quốc tang để tưởng niệm những người con quả cảm Australia và New Zealand, ngày 25 tháng 4. Để rồi khi nói về ANZAC người ta nhớ về trận đánh bi thảm nhất trong lịch sử, về những anh hùng đã hy sinh. Cái tên ANZAC được đặt cho chiếc bánh quy này để tưởng nhớ về những người đã “ra đi” trong trận chiến.
Possum Stew (Possum hầm)
New Zealand luôn giang rộng vòng tay với những người dân nhập cư và cả nền văn hóa mà họ mang đến. Khi người Scotland và Ireland mang đến New Zealand một cách chế biến món ăn mới - Món Hầm, thì người Kiwi đã nhanh chóng tiếp nhận và chế biến theo cách của riêng họ. Họ sử dụng Possum làm nguyên liệu chính, một loài thú luôn “chia nhau” số trái cây ít ỏi trong vườn của người nông dân. Và sự ra đời của món ăn mới lạ này không chỉ mang đến một “công thức” mới với sự kết hợp giữa thịt Possum, khoai tây, hành tây và nước hầm, nó còn giúp giải quyết một vấn đề liên quan đến nông nghiệp ở xứ sở Kiwi. Hãy nghĩ rằng khi bạn thưởng thức Possum hầm bạn đã “cứu” đất nước khỏi một loại động vật có hại.
Hangi
Hangi - Một món ăn nấu theo kiểu của người Maori. Họ đốt nóng hòn đá và đặt dưới một cái hố đất, sau đó gói khoai lang, khoai tây, thịt và những nguyên liệu khác vào những chiếc lá sau đó đặt lên hòn đá đã được đốt nóng, họ lấp kín hố lại sau đó đợi vài giờ. Món ăn này được ra đời từ những ngày đất nước còn quá sơ khai, người Maori cổ đã sáng tạo ra “cái bếp” của riêng mình. Tuy tại thời điểm, cuộc sống người Maori vẫn còn thô sơ, nhưng họ đã biết làm sao để chế biến một món ăn ngon. Ẩm thực New Zealand đã bắt đầu từ đó. Và cho đến ngày nay, mặc dù cuộc sống đã thay đổi, nhưng Hangi vẫn luôn được gìn giữ dưới hình thức đơn giản hơn.
Colonial goose (Ngỗng thực dân)
Không chỉ tên gọi, hình ảnh về món ăn luôn khiến mọi người hình dung về món Ngỗng thực dân được chế biến từ thịt ngỗng, nhưng thật ra chúng được chế biến từ thịt cừu và dê. Món ăn ra đời bởi những người thực dân đầu tiên đến New Zealand, họ nhớ về mùi vị thịt ngỗng quê nhà nhưng ở đất nước Kiwi, thì ngỗng là một loài cực khan hiếm, thay vào đó họ có rất nhiều thịt cừu. Vì vậy họ đã nhồi mật ong và bơ vào trong miếng thịt cừu rút xương và sau đó ngâm trong rượu vang đỏ, đó là lý do vì sao chúng rất giống với những con ngỗng quay và tin rằng món ăn này có thể giúp họ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.
Mỗi món ăn đều gắn liền với một thời điểm trong lịch sử và đều mang một ý nghĩa riêng, đó là lý do vì sao ẩm thực là Văn hóa. Tôi ước mình có thể đi đến nơi chân trời đó, để cảm nhận được những điều mà tôi viết, những hình ảnh mà tôi thấy. Bởi vị ẩm thực cần được cảm nhận qua vị giác. Trong tôi lúc này chỉ nghĩ về chân trời mới đó, một chân trời của sự giao thoa ẩm thực - Chân trời New Zealand.
Trần Diệu Linh