"Thị trường chuyển nhượng hè này thể hiện rõ bộ mặt đạo đức giả, hoặc nói một cách tránh giảm, đạo đức linh hoạt tùy biến của các CLB châu Âu", tờ New York Times đặt vấn đề. "Mới vài tháng trước, khi bóng đá châu Âu bị đình trệ vì dịch bệnh, các ông lớn liên tục ta thán về hiện trạng tài chính thảm thiết. Rất nhiều đội bóng đã ép các cầu thủ cắt giảm lương, bỏ thưởng và sa thải bớt nhân sự. Tại sao bây giờ họ lại tiêu xài như không có gì thay đổi?".
Trong những tuần bóng đá tê liệt vào tháng 3 và tháng 4, khi tương lai không có gì khác ngoài sự mù mịt, các cầu thủ bóng đá ở châu Âu chỉ nhận được những yêu cầu, đề nghị hoặc mệnh lệnh được truyền đi từ cấp trên, từ các giám đốc điều hành và chủ sở hữu. Covid-19 đại diện cho một mối đe dọa hiện hữu đối với bóng đá. Các giải đấu bị hủy bỏ. Các sân vận động trống rỗng. Doanh thu sẽ cạn kiệt. Các hợp đồng hàng triệu đô không được thực hiện. Việc làm sẽ bị cắt giảm. CLB có thể phá sản. Không còn gì giống như trước nữa. Và chỉ họ, những cầu thủ, mới có thể làm bất cứ điều gì để giảm bớt thiệt hại.
Lương - thưởng của cầu thủ sẽ phải cắt - giảm, hoặc tối thiểu là bị chậm. Tất cả là để đưa các đội bóng vượt qua khủng hoảng. CLB Đức, Monchengladbach là một trong những đội đầu tiên tuyên bố rằng các cầu thủ sẽ dùng tiền lương để bảo vệ các nhân viên khác của CLB. Union Berlin, Juventus, Barca và hàng loạt CLB khác theo sau.
Ở những nơi khác, các cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng hơn. Serie A khuyến nghị giảm 33% lương của toàn bộ cầu thủ trên toàn giải đấu, trừ Juventus. Và ở Anh, Ngoại hạng Anh cũng đề xuất tương tự, nhưng nhanh chóng bị Nghiệp đoàn cầu thủ (PFA) từ chối. Theo PFA, cách làm này sẽ tước đi nguồn thu thuế mà quốc gia cũng đang rất cần.
Tuy nhiên, những gì cầu thủ nhìn thấy lại khác. Họ cũng đã thảo luận những việc có thể làm với tư cách cá nhân để hỗ trợ nhiều hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Anh. Họ nhận ra ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19, và việc ngừng hoạt động bóng đá sau đó, có thể ảnh hưởng nặng nề đến bóng đá.
Nhưng khi các đội bắt đầu cho đội ngũ nhân viên không phải là cầu thủ nghỉ không lương, và khi áp lực về đạo đức, cũng như kinh tế, đè nặng lên vai, các cầu thủ tự hỏi liệu họ có được yêu cầu cắt giảm lương để bảo vệ công việc hay cắt giảm lương đảm bảo cân bằng thu chi không? Là các triệu phú sân cỏ, họ chấp nhận sẽ bị thiệt hại, nhưng không hiểu vì sao các tỷ phú sở hữu CLB lại không bị yêu cầu làm như vậy.
Ngay sau đó, một vết nứt lộ ra. Các cầu thủ không tin chủ sở hữu thực hiện việc cắt giảm với thiện ý và vì lợi ích chung của toàn CLB. Và họ nghi ngờ rằng, khi thị trường chuyển nhượng mùa Hè mở cửa, tất cả lời than nghèo kể khổ kia sẽ bị lãng quên. Các triệu phú cầu thủ cũng cảnh giác trước nguy cơ: bản thân họ chấp nhận giảm lương, tiết kiệm tiền cho CLB, để chủ sở hữu có đủ nguồn lực mua ngôi sao khác thay thế chính họ.
Danny Rose, hậu vệ của Newcastle nói thẳng rằng anh và các đồng đội bị đẩy vào thế chân tường. Ở Arsenal, Mesut Ozil và hai đồng đội đã từ chối cúi đầu trước áp lực cắt giảm, nợ lương.
Năm tháng sau, có vẻ như ngày tận thế của bóng đá từng được lôi ra làm con ngáo ộp chưa bao giờ xuất hiện. Hầu hết các giải đấu của châu Âu đều hoàn thành việc thi đấu mùa 2019-2020 để tránh phải trả lại tiền bản quyền truyền hình. Ở châu Âu, Bayern Munich lên ngôi ở Champions League. Không nhất thiết phải có dấu sao để đánh dấu sự khác thường về mùa giải này trong sử sách bóng đá.
Điều đáng khích lệ là mùa giải 2020-2021 đều đã khởi tranh. Ngoại hạng Anh và La Liga, Bundesliga, Ligue 1, Serie A đã đi qua vài vòng đầu tiên trước khi dừng lại để nhường chỗ cho loạt trận cấp ĐTQG từ giữa tuần này. Bóng đá đỉnh cao chưa hẳn vượt qua được sương mù, nhưng có vẻ như một bình thường mới đang ngày sáng tỏ.
Ngay cả khi hố đen trong bức tranh tài chính của các CLB xuất hiện do không có tiền bán vé vào sân, không được kinh doanh trong ngày thi đấu, gam màu tiêu cực cũng không đáng sợ như dự đoán. Theo Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), bóng đá trên toàn châu lục này thiệt hại chừng 4,5 tỷ USD. UEFA đã phải hoàn lại 680 triệu USD cho các đài truyền hình vì một số trận đấu ở Champions League và Europa League đã bị cắt bỏ theo format vòng knock-out chỉ có một trận. Và vào cuối mùa này, Ngoại hạng Anh cũng phải trả lại 212 triệu USD cho đối tác truyền hình chính trong nước là Sky Sports.
Tuần trước, nhà đài này xác nhận đã hủy hợp đồng phát sóng trị giá 734 triệu USD tại Trung Quốc. Suning, đối tác của Sky Sport ở Trung Quốc, đã giam khoản thanh toán 208 triệu USD đến hạn thanh toán vào tháng 3. Richard Masters, Giám đốc Điều hành của Ngoại hạng Anh, đã nói với hãng thông tấn BBC rằng các CLB thành viên sẽ mất 900 triệu USD doanh thu ngày thi đấu nếu người hâm mộ không được đến sân ở mùa giải này. Masters cho hay: "Mọi người cứ nhận định rằng nền tiềm lực kinh tế của Ngoại hạng Anh có thể chịu đựng được mọi biến cố, nhưng nếu mất ngót 1 tỷ USD từ doanh thu theo kế hoạch, thì mọi thứ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
Man Utd mới đây công bố ước tính rằng họ mất 6,5 triệu USD cho mỗi trận đấu trên sân nhà đóng cửa với khán giả.
Hiện tại, dòng tiền vốn biến bóng đá châu Âu thành một biểu tượng văn hóa đại chúng trên toàn thế giới đang vơi dần. Thực sự, người ta sợ rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chưa ai biết được mức độ nghiêm trọng của hậu quả của đại dịch sẽ thế nào, đặc biệt là bởi vì chúng ta chưa biết chính xác đại dịch sẽ kéo dài bao lâu. Phần lớn nỗi đau vẫn chưa đến.
Tuy nhiên, bóng đá không tồn tại một cách đơn độc, nó cũng dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường kinh tế như bất kỳ ngành nào. Nói một cách dễ hiểu, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, lượng đăng ký thuê bao truyền hình có thể giảm xuống, có nghĩa là các đài truyền hình sẽ trả tiền bản quyền truyền hình thấp hơn. Doanh thu quảng cáo có thể giảm. Có lẽ, ngay cả sau khi người hâm mộ được phép vào sân, những chiếc ghế trên khán đài, vốn đóng vai trò như những con bò cho dòng sữa "tiền mặt", cũng sẽ không được phủ kín như trước Covid-19. Doanh số bán áo đấu và đồ lưu niệm cũng sụt giảm, các nhà tài trợ hùng mạnh khó tìm hơn. Bóng đá vẫn bị nCoV tấn công.
Nhưng rồi, khi nhìn vào thị trường chuyển nhượng, người ta thấy chẳng có gì thay đổi. Các CLB của năm giải đấu lớn của châu Âu đã chi hơn 2,5 tỷ USD vào sàn chuyển nhượng hè này. Ngoại hạng Anh, như mọi khi, đang dẫn đầu, và Chelsea lại đứng đầu giải đấu này với 258 triệu USD cho sáu tân binh.
Tottenham từng phải vay 226 triệu USD từ chính phủ Anh hồi tháng 6 để bù đắp cho ngân sách bị thâm hụt. Nhưng khi tổng kết "phiên chợ hè", họ cũng đã chi hơn 40 triệu USD hoặc hơn thế nữa, cho các tân binh Pierre-Emile Hojbjerg, Matt Doherty, và mượn được Gareth Bale của Real Madrid.
Arsenal lên kế hoạch sa thải 55 nhân viên đầu mùa hè, với nhiều người làm việc ở khâu tuyển trạch, và mới hôm 4/10 sa thải "Gunnersaurus" - một nhân viên gắn bó từ năm 1993 khoác lên mình bộ cánh khủng long làm mascot cho CLB. Nhưng khi khóa sổ chuyển nhượng, họ vẫn trả Lille 35 triệu USD mua hậu vệ người Brazil Gabriel Magalhaes, đáp ứng mức lương mới của Pierre-Emerick Aubameyang khi gia hạn hợp đồng, đồng thời trả rất nhiều tiền để chiêu mộ Willian theo diện chuyển nhượng tự do. Và ngay trước khi "phiên chợ hè" kết thúc, Arsenal lại chi tới 58 triệu USD để phá hợp đồng, rước Thomas Partey về từ Atletico Madrid, trước sự bất lực của HLV Diego Simeone
Newcastle cũng tăng thêm nhân sự trong thời gian ngừng hoạt động, và sau đó chi 25 triệu USD cho Callum Wilson. Wolves đã chi 40 triệu USD cho Fabio Silva, một tài năng trẻ người Bồ Đào Nha. Man Utd thiệt hại như thế, nhưng cũng tốn gần 110 triệu USD vào mua sắm cầu thủ. Điều đó nói lên phần nào đó, hiện trạng của bóng đá rằng không có gì thực sự thay đổi.
Vậy những điều này hợp lý đến mức nào, dựa trên bối cảnh thực tế, vì chúng ta biết rất ít về tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế bóng đá? Những động thái vung tiền đó có vẻ mang sắc thái hơi liều lĩnh trong những năm tới? Có thể đây không phải là một mùa Hè để ngồi tính toán chặt chẽ và hạn chế chi tiêu?... Rất nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra. Nhưng đáp án chung chỉ là một tâm lý đang tràn ngập bóng đá, từ các giám đốc điều hành, HLV đến người hâm mộ rằng, ý tưởng kiềm chế tham vọng mua sắm, dù chỉ trong một mùa hè, trong một mùa giải, là hoàn toàn bất khả thi.
Bóng đá sẽ tiếp tục một cách mù quáng trên con đường của nó. Giả sử rằng nó có thể vượt qua mọi cơn bão, áp dụng các quy tắc khác nhau, tiền sẽ tiếp tục chảy. Dù bằng cách nào, điều quan trọng là những gì các cầu thủ từng nghi ngờ vào đầu năm đã xảy ra.
Quyền lợi của bóng đá đỉnh cao chỉ được áp dụng chừng nào các CLB muốn. Những đội ta thán nhiều nhất về ngày tận thế trong tháng 4 cũng chính là những đội mua sắm mạnh tay nhất, dù vẫn khiêm tốn so với các kỳ chuyển nhượng khác. Khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa lúc 23h ngày 5/10/2020 (giờ London), trong sâu thẳm các cầu thủ sẽ một lần nữa tự hỏi: Chính xác họ đã giảm lương để làm gì, và cho ai?
Trâm Anh (theo New York Times)