![]() |
Phế phẩm sau thu hoạch có thể dùng để phát điện cho các vùng sâu. |
Tại các vùng sản xuất cây lương thực hàng hóa của nước ta, nguồn phế thải - phụ phẩm nông nghiệp (cả sau thu hoạch lẫn sau chế biến) như rơm rạ, trấu, vỏ cà phê, xơ dừa, bã mía... ước tính trên 30 triệu tấn/năm, tương đương với hơn 20 triệu tấn than cám hoặc hơn 10 triệu tấn dầu. Một phần trong số đó được sử dụng để đun nấu hoặc trong các sinh hoạt khác, nhưng phần lớn còn lại không có nơi xử lý. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng năng lượng để làm khô, bảo quản và chế biến nông sản lại ngày càng tăng. Do đó, khai thác các phụ phẩm nông nghiệp là yêu cầu mang tính chiến lược, có ý nghĩa kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Thực hiện chương trình “Sử dụng năng lượng từ chất phế thải sinh thái” do Chính phủ Australia tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Cơ điện Nông nghiệp dự án “Xây dựng dây chuyền công nghệ phát điện và nhiệt kết hợp theo phương pháp đốt tầng sôi, dùng trấu và phụ phẩm nông nghiệp tại Công ty Lương thực Long An”. Dự án nhằm biến phế thải nông nghiệp thành điện năng và nguồn nhiệt sạch.
Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy hệ thống này một giờ cho lượng nhiệt khoảng 1.296.000 kcal, có thể làm giảm độ ẩm của 8 tấn thóc từ 22% xuống còn 16%.
Do có 2 tầng sấy, hệ thống cho phép sấy ở 2 mức độ khác nhau: sấy ở tầng sôi với nhiệt độ 110 độ C dành cho nguyên liệu là lúa có độ ẩm từ 28%-29% xuống còn 20%-23%. Sau đó, nếu cần sấy khô hơn nữa, lúa sẽ được chuyển tiếp sấy ở tầng thấp với nhiệt độ 50-60 độ C.
Hệ thống còn có thể sấy được rất nhiều nông sản khác nhau như gạo, đậu nành, củ, quả... Mặt khác, theo phân tích mẫu tro đốt, các chuyên gia vật liệu cho biết tỷ lệ SiO2 trong tro là 91% - một dạng tro vô định hình rất tốt để làm phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, xi măng, tấm cách âm, vật liệu composit...), hoặc làm phân bón ruộng.
Công nghệ đốt tầng sôi này chỉ thải ra một lượng khí nitrát, sunphát... không đáng kể, nhờ vậy mà giải quyết vấn đề môi trường do chất thải từ phụ phẩm nông nghiệp gây ra, đặc biệt ở vùng có nhiều nhà máy xay xát gạo như đồng bằng sông Cửu Long. Theo các nhà khoa học, công nghệ này cũng thích hợp với việc tái sử dụng bã thải của nhà máy đường (bã mía), chế biến cà phê (vỏ cà phê sau khi xay xát) có thể áp dụng ở những vùng sâu có nhiều nguyên liệu loại này, đang cần năng lượng cho sinh hoạt và có nhu cầu sấy nông sản.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)