Luật sư tư vấn
Theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA về trình tự cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD thì CMND và CCCD cũ sẽ bị thu hồi khi công dân làm thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chíp, đổi thẻ CCCD gắn chíp. Theo đó, CMND và CCCD cũ sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày bạn nhận được CCCD gắn chíp.
Tuy nhiên, một vài trường hợp công dân khai báo mất thẻ (có thể sau này tìm lại được), không giao nộp lại thẻ, hoặc cán bộ làm thủ tục quên thu lại (hoặc cắt góc) nên họ vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ nguyên vẹn và sử dụng nó song song với CCCD gắn chíp. Mặc dù pháp luật không cấm việc sử dụng song song CMND, CCCD cũ nhưng điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nhất định, cụ thể:
Bị phạt tiền
Bạn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng do không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.
Nếu bạn cố tình không giao nộp lại CMND hoặc CCCD cũ và vẫn tiếp tục sử dụng nó làm giấy tờ tùy thân khi đã được cấp đổi sang CCCD gắn chip thì sẽ bị xử lý vi phạm. Tùy vào mức độ mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền như trên.
Quyền và lợi ích bị ảnh hưởng
Việc sử dụng CMND, CCCD cũ để chứng minh nhân thân (trường hợp không cần ghi lại thông tin) sẽ không gây tác hại hay hậu quả gì nghiêm trọng như sử dụng CMND, CCCD cũ đi tàu bay...
Tuy nhiên, khi ký kết các loại Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, giao dịch mua bán... bạn sử dụng CMND cũ (không còn giá trị sử dụng, thay vì dùng CCCD gắn chip đã được cấp) thì sau này nếu xảy ra tranh chấp, bên tranh chấp sẽ lấy lý do "CNMD hết hạn, không có giá trị chứng minh nhân thân trong giao dịch" để đề nghị cơ quan thẩm quyền tuyên giao dịch vô hiệu, thậm chí còn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Dễ bị giả mạo giấy tờ
Khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự... bạn chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp. Sau đó, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ là có thể biết được thông tin nhân thân của bạn mà không cần thêm bất cứ giấy tờ nào khác. Nhưng đối với CMND, CCCD cũ không gắn chíp thì buộc công dân phải photo, công chứng các giấy tờ này mới hợp pháp trong một số giao dịch.
Do đó, trường hợp giấy tờ này rơi vào tay người ngoài, hoặc chỉ cần họ có được thông tin CMND, CCCD cũ của bạn thì có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền... gây ảnh hưởng xấu tới bạn.
Khó cập nhật, thống nhất thông tin nhân thân trong tương lai
Các thông tin về nhân thân, các giấy tờ như BHYT, BHXH, Giấy phép lái xe... của bạn đã được tích hợp vào thẻ CCCD gắn chíp và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, nếu bạn sử dụng CMND, CCCD cũ để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công thì sẽ xuất hiện thông tin không trùng khớp (do thông tin trên CNMD và CCCD cũ là khác nhau) nên có thể gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin về sau.
Luật sư Phan Huy Thái Nguyên
Công ty Đông Phương Luật