Sử dụng cầu phao thể hiện công tác dự báo kém
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Cần xem lại tổng thể quy hoạch xây dựng". |
Dưới con mắt một nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc quan ngại: "Chiếc cầu phao gợi lại cho nhiều người nhớ về thời kỳ chiến tranh và giật mình nhớ rằng, hòa bình đã được hơn 1/4 thế kỷ rồi mà vẫn phải sử dụng cầu phao giữa lòng thủ đô". Dù ghi nhận đây là một giải pháp tình thế, giúp giải tỏa một phần những bức xúc hiện nay, song ông cho rằng cần phải xem lại một cách tổng thể quy hoạch xây dựng của cả nước. "Lẽ ra biện pháp giảm tải cho cầu Chương Dương phải tính tới và làm được từ lâu rồi, chứ không phải để đến bây giờ thực hiện giải pháp tình thế dựng cầu như thời chiến. Chúng ta vẫn mắc phải một căn bệnh rất nặng, đó là điều hành theo tình thế", ông Quốc thẳng thắn nói.
Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho rằng, sử dụng cầu phao để giảm tải là một biện pháp bất đắc dĩ và qua đó cũng cho thấy, Bộ Giao thông vận tải chưa lường trước được tình hình phát triển của giao thông đô thị. "Mọi người cũng đã nghĩ tới ngày cầu Chương Dương quá tải, song chưa nhìn xa hơn và kịp thời hơn. Đó chính là một thiếu sót, thể hiện Bộ chưa bắt kịp với tốc độ phát triển", Phó chủ tịch nhận định.
Theo bà, việc phân luồng về cầu Thăng Long cũng không phải là giải pháp hay vì tuy cây cầu này rộng, song các tuyến của nó lại hẹp và bất tiện.
"Điều tôi lo hơn chính là chất lượng cầu Chương Dương" |
Băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng không chỉ là chuyện chiếc cầu phao nằm giữa lòng Hà Nội mà chính là chất lượng của cây cầu Chương Dương hiện nay. Ông nói: "Nhiều thông tin cho thấy, Chương Dương đang bị hư hỏng rất nặng. Kể cả những kết cấu lớn cũng đang bị rỉ sâu. Như vậy thì nguy hiểm quá. Tôi nghĩ rằng, khi đặt vấn đề cầu phao, nên đặt kèm luôn việc xét lại thật kỹ cấu trúc an toàn của cầu Chương Dương. Nếu cầu Chương Dương mà xảy ra sự cố giữa thủ đô này là lớn lắm".
Giáo sư cũng đề xuất nên cho phép xe máy đi trên cầu Long Biên để giúp giảm tải cho cầu Chương Dương. "Đây là một cây cầu tốt và vẫn có thể cho phép cả xe máy lẫn xe đạp đi chung. Có thể yêu cầu xe máy đi với tốc độ xe đạp", ông nói.
Đại biểu Tôn Thất Bách thì cho rằng, làm cầu phao để phân luồng giao thông là một chuyện... lực bất tòng tâm. "Có hai giải pháp, một là tận dụng cầu Long Biên và hai là làm cầu phao. Bộ Giao thông vận tải đã chọn hướng làm cầu phao có lẽ là do có lợi hơn. Có những cái thuộc về tốc độ phát triển mà mình không lường trước được. Trong khi đó, kinh tế của mình không đủ để làm. Hà Nội đã trình nhiều dự án về cầu nhưng không có vốn thực hiện. Trong khi đó phải lo cho cả nước trên tuyến đường quốc lộ", ông bình luận.
Cầu Chương Dương được xây dựng năm 1983 và đã được đưa vào sử dụng từ 17 năm nay. Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với lưu lượng giao thông 200.000 lượt xe máy/ngày đêm, cây cầu này hiện đã đạt tới tải trọng thiết kế. Hầu hết vật liệu thép của cầu Chương Dương đều xuống cấp. Trên 40% diện tích có mức độ gỉ sâu, thậm chí có nơi sâu tới 7 mm. Các trụ bêtông cốt thép cũng trong tình trạng gỉ và nứt, vỡ tại các mố trụ. Nguy hiểm hơn, hầu như toàn bộ các liên kết công trình, đinh tán, bulông đều bị gỉ sét, mất tiết diện mũ hoặc đai ốc. |
Song Linh