"Chúng tôi ở bên bạn, Gisèle. Cảm ơn vì sự can đảm", họ bắt đầu hô vang khi thấy bà Gisèle xuất hiện trong phiên tòa hôm 19/12.
Theo bản cáo trạng dài 400 trang, cảnh sát bắt đầu điều tra chồng của Gisèle, ông Dominique Pelicot vào tháng 9/2020 khi người này bị phát hiện đang bí mật quay phim dưới váy phụ nữ trong trung tâm mua sắm.
Kiểm tra máy tính của ông ta, cảnh sát tìm thấy hàng nghìn bức ảnh và video quay người vợ Gisèle đang bất tỉnh. Pélicot bị phát hiện trong nhiều năm đã trộn thuốc ngủ vào đồ ăn uống của vợ để những người lạ mà ông ta tuyển chọn trực tuyến đến xâm hại bà, rồi quay video.
Cảnh sát đã thống kê được 92 vụ hiếp dâm do 72 người thực hiện, trong đó 51 vụ được xác định danh tính chính thức.
Hành vi lạm dụng vợ của Dominique Pelicot bắt đầu vào năm 2011 khi gia đình này sống ở Paris. Tháng 9/2024, bà Gisèle công khai tội ác của chồng với truyền thông. Sau ba tháng kiên trì đấu tranh, cung cấp bằng chứng, phiên tòa xét xử công khai diễn hôm 19/12.
Tòa án Avignon cáo buộc 49 người đàn ông tội danh hiếp dâm, hai người tội tấn công tình dục. Tất cả trong độ tuổi 26 đến 74. Họ không phải tội phạm chuyên nghiệp mà là điều dưỡng, quân nhân, phóng viên và người làm việc trong trại giam.
Dominique Pelicot bị kết án 20 năm tù. Những người khác ngồi tù 3-15 năm. Và số ít được hưởng án treo.
Nhiều người cho rằng bản án không đủ răn đe. Bên cạnh sự phẫn nộ với tội ác của người chồng, người dân Pháp còn thể hiện sự ngưỡng mộ Gisèle đã dũng cảm từ bỏ quyền ẩn danh, đứng ra tố cáo chồng.
Gisèle hy vọng câu chuyện của mình tiếp thêm động lực cho phụ nữ đứng lên đấu tranh chống nạn xâm hại tình dục.
"Tôi không hối hận về quyết định từ bỏ quyền ẩn danh để tổ chức phiên tòa ở nơi công cộng. Những vụ việc tương tự cần phải được phơi bày và có bản án thích đáng cho kẻ thủ ác", người phụ nữ 72 tuổi nói.
Bà Sarah McGrath, đại diện của tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ Pháp (Women for Women France) nói: "Gisèle đã chọn cách công khai. Bà ấy làm điều đó để giúp những người phụ nữ khác tránh được những sự việc thương tâm như mình".
Sarah nói trên trường quốc tế Pháp được coi là quốc gia tiến bộ về quyền phụ nữ. Nhưng khi nói đến bạo lực tình dục và phân biệt giới tính, Pháp lại tụt hậu so với các nước láng giềng.
Viện Chính sách Công của Pháp công bố từ năm 2012 đến 2021 trung bình mỗi năm có 86% khiếu nại lạm dụng tình dục và 94% vụ hiếp dâm không bị truy tố hoặc không bao giờ ra xét xử. Các nạn nhân bạo lực tình dục ở Pháp thường chọn im lặng, chỉ 10% dám tố cáo tội ác lên hệ thống tư pháp.
Sự kinh hoàng của những tội ác được thực hiện bởi những người đàn ông bình thường, có học thức, đã thúc đẩy cuộc thảo luận trên khắp nước Pháp về việc tấn công tình dục bị "bình thường hóa".
Elsa Labouret, thành viên của nhóm hoạt động cộng đồng Dare to be Feminist, nói rằng bạo lực tình dục xảy ra khi một số đàn ông tin rằng họ có thể thoát tội. "Đó có thể là lý do lớn nhất khiến hành vi này tràn lan ở Pháp", bà Labouret nói.
Những nhà vận động xã hội và luật sư nhấn mạnh phiên tòa không đánh dấu sự kết thúc của một chương xấu xí trong lịch sử mà là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.
Sadjia Djimli, 20 tuổi, người theo dõi phiên xét xử, nói: "Gisèle đã trở thành một biểu trưng cho chủ nghĩa nữ quyền".
Karen Noblinski, một luật sư ở Paris chuyên về các vụ tấn công tình dục, cho rằng sự dũng cảm của bà Gisèle là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. "Hiếp dâm không chỉ xảy ra trong quán bar, câu lạc bộ mà có thể là nơi an toàn nhất. Thay vì im lặng chịu đựng sự tủi nhục, hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình", vị luật sư nói.
Các nhà lãnh đạo quốc tế cũng dành lời ngợi khen Gisèle Pelicot vì dám phơi bày sự phổ biến của bạo lực tình dục.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết: "Cảm ơn Gisèle Pelicot! Bà đã dũng cảm đấu tranh cho công lý. Bà đã cho phụ nữ trên khắp thế giới một tiếng nói mạnh mẽ. Sự hổ thẹn phải thuộc về thủ phạm".
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez để lại bình luận: "Thật là con người của phẩm giá. Cảm ơn bạn, Gisèle Pelicot".
Lãnh đạo Đảng Xanh của Pháp, Marine Tondelier, người đã đến Avignon để tham dự một số phiên điều trần, nói phiên tòa đã "phá vỡ những điều cấm kỵ của xã hội và đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại hành vi hiếp dâm".
Rời tòa án vào ngày 19/12, người phụ nữ 72 tuổi đặt niềm tin vào tương lai mà phụ nữ và đàn ông có thể chung sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau.
"Tất cả phụ nữ đều đã trải qua điều gì đó tồi tệ nhưng hãy dũng cảm lên tiếng bảo vệ mình, giống như cách Gisèle đã làm", Elsa Labouret nói.
Minh Phương (Theo CNN, BBC, The Guardian)