Nghị quyết số 1271 của Ủy ban Thường vụ do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành hôm 18/5.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vaccine phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.
Hiện nay với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Nhưng khi dịch kéo dài, nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí lớn, Bộ Tài chính đánh giá "khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân" nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, kinh phí mua vaccine gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vaccine tự nguyện chi trả.
Đến trưa 21/5, Việt Nam có 1.836 ca nhiễm Covid-19, ghi nhận ở 30 tỉnh thành. Bắc Giang vẫn là điểm nóng nhất, với 728 ca nhiễm; tiếp theo là Bắc Ninh, 378 ca; địa bàn Hà Nội 264 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 33 ca ở Bệnh viện K). Số ca nhiễm mới trưa nay cũng đưa tổng số ca ở Điện Biên lên 49, Hưng Yên 32, Hải Dương 24.