Thứ tư, 23/11/2022, 09:00 (GMT+7)

Năm 2008 đánh dấu bước phát triển mới của Hà Nội - một trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới sau khi hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Hà Nội mới có tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), dân số tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu người.

Ba năm sau, Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu đưa Hà Nội trở thành đô thị hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao nhưng vẫn gìn giữ được, bảo tồn được sự riêng biệt.

Theo quy hoạch này, Thủ đô sẽ gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố).

Sự thay đổi đầu tiên trong diện mạo Thủ đô được phản ánh trong bức tranh hạ tầng, được đầu tư đồng bộ với hàng loạt trục đường mới mở, các nút giao thông được cải thiện như tuyến Đại lộ Thăng Long, Vành đai 2, Vành đai 3 đoạn kết nối từ Thanh Trì - Mai Dịch và gần đây là từ Mai Dịch đi cầu Thăng Long, Đường 32, trục kết nối đi sân bay Nội Bài, đường 5 kéo dài và các đoạn kết nối tới Quốc lộ 5, cầu Nhật Tân... Các tuyến giao thông trong nội đô và đường hướng tâm cũng liên tục được mở rộng. Hệ thống cầu được hình thành, kết nối đôi bờ sông Hồng, giúp cho giao thương, đi lại thuận tiện hơn. Từ chất lượng cho đến cảnh quan của tuyến đường đều được hiện đại hóa. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai thủ tục đầu tư nhiều tuyến đường sắt đô thị.

Mạng lưới giao thông đường bộ đối ngoại của Hà Nội cũng có bước phát triển mạnh với việc đưa vào khai thác hàng loạt đường cao tốc, kết nối Thủ đô với các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Lào Cai...

Không chỉ thay đổi về giao thông, hơn một thập kỷ trôi qua, Hà Nội dần lột xác với một diện mạo mới hiện đại hơn, chất lượng sống của người dân cũng ngày một đổi thay. Hàng loạt khu đô thị mới ra đời với đa dạng thiết kế kiến trúc, từ chung cư cao tầng đến nhà phố, biệt thự, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, không gian xanh...

Theo UBND TP Hà Nội, tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn là 25,3 triệu m2, trung bình đạt 27,25 m2 mỗi người, vượt mục tiêu đề ra (26,3 m2 một người).

Hàng chục khu đô thị mới, nhà ở quy mô lớn, đồng bộ của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế được xây dựng, đưa vào vận hành hoặc mở rộng trong hơn một thập kỷ như Vinhomes Royal City, Splendora Bắc An Khánh, Vinhomes Green Bay, khu đô thị An Hưng, Park City, Vinhomes Smart City, Tây Hồ Tây, Ciputra, khu đô thị Thành phố Giao lưu... hay ở phía Đông là Garmuda, Times City, Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park... Các khu đô thị mới kết nối đồng bộ góp phần hình thành những cộng đồng dân cư văn minh trong thành phố.

Cùng với đó, các loại hình nhà ở cho đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp cũng được phát triển đa dạng hơn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố hoàn thành 19 dự án, đang triển khai 43 dự án với diện tích khoảng 4,04 triệu m2 sàn nhà ở; 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn (tại Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì)...

Một điểm sáng trong quy hoạch nhà ở của Thủ đô là các khu đô thị, khu nhà ở đều thêm nhiều không gian xanh với hàng loạt công viên quy mô lớn đưa vào sử dụng. Không chỉ là những căn nhà với bức tường bê tông vây kín, cũ kỹ và ẩm thấp, các hồ nước, công viên xanh, khu mua sắm, vui chơi - giải trí, ẩm thực, trường học, bệnh viện... được xây dựng trong nhiều khu đô thị mới. Những tiện ích này cũng ngày một đa dạng, quy mô và cao cấp hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, quy hoạch này giúp đô thị phát triển và nâng cao đời sống của cư dân, là đầu kéo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của người dân và quốc gia theo đúng mục tiêu. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển của các tòa nhà, cao ốc, khu đô thị... tình trạng quá tải về hạ tầng đã trở thành vấn đề nóng trong thời gian qua. Do đó, việc phát triển đô thị đang có xu hướng dịch chuyển ra khu vực ngoài tuyến Vành đai 3.

Trong bức tranh quy hoạch Thủ đô, theo giới chuyên gia, sự phát triển của mỗi khu vực lại rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, rõ rệt hơn cả là khu vực phía Tây và Đông Hà Nội.

Phía Tây Hà Nội có những chuyển động sớm hơn nên bức tranh đô thị hiện hữu đã rõ rệt hơn. Tại đây, một trung tâm hành chính, thương mại mới đang được hình thành. Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, phía Tây phát triển theo hướng Metropolitan - nơi tập trung những tòa nhà cao tầng và khu văn phòng với hiệu số sử dụng đất cao. Thế chỗ vào những vùng đất bỏ không là các tòa nhà cao tầng, khu đô thị hình thành một trung tâm mới hiện đại với hạ tầng đồng bộ, tiện ích đủ đầy.

Tại khu vực này, giao thông được ưu tiên đầu tư mạnh với mạng lưới đường kết nối thuận tiện như Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3 - 3,5; trục Lê Văn Lương - Tố Hữu, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Nguyễn Xiển - Xa La... Những dự án chiến lược như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, buýt nhanh BRT... đều được đặt tại khu phía Tây. Trong tương lai, tuyến metro số 5, 6, 7 hình thành ở Tây Mỗ, Đại Mỗ hứa hẹn trở thành đòn bẩy cho khu vực này.

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành cũng dịch chuyển về phía Tây. Nơi đây trở thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, hình thành làn sóng chuyển dịch về khu vực này để an cư. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hàng loạt cơ sở y tế, giáo dục cũng hiện diện, tạo nên nhịp sống sôi động.

Phía Tây Hà Nội thu hút nhiều ông lớn bất động sản như Vingroup, Vinaconex, Geleximco, MIK Group, Nam Cường, Văn Phú - Invest, Phú Long... tạo lập chuỗi đô thị tiện ích đủ đầy như Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Splendora, Bắc An Khánh, Dương Nội, Hà Đô Charm Villas... Chỉ hơn chục năm trước, nhiều nơi tại Tây Mỗ, Đại Mỗ hay dọc tuyến đường Vành đai 3 còn là vùng đất hoang sơ nay trở thành khu dân cư đông đúc, dịch vụ sôi động với đa dạng loại hình bất động sản cao cấp.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những chuyên gia chắp bút cho bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội, từng nhận định rằng sự lên ngôi của trung tâm mới phía Tây góp phần san sẻ bớt áp lực hạ tầng, dân số ở nội đô, đồng thời tái định nghĩa "trung tâm thành phố".

Ở phía bên kia thành phố, phía Đông khởi động muộn hơn và đang dần khoác lên diện mạo của một "Hà Nội thu nhỏ bên sông Hồng". KTS. Bùi Đình Trường, chuyên gia quy hoạch đô thị, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc Việt Nam từng nói, trước những năm 2010, khu Đông Hà Nội hầu như không được giới đầu tư quan tâm, một phần vì giao thông cách trở và hạ tầng nghèo nàn. Tuy nhiên, hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng hoàn thiện cũng như có kế hoạch xây mới đã trở thành cú hích khiến tốc độ phát triển và sức nóng của khu Đông gia tăng.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trong đó, một số dự án bắt đầu thi công. Cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, Thăng Long mới, cầu Thượng Cát, Hồng Hà 9... được xây dựng không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các vành đai mà còn mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Đông theo mô hình đa trung tâm.

Hiện nay, khu Đông là một trong những cực phát triển quan trọng của Thủ đô, dần hình thành nên trung tâm mới. Hạ tầng xã hội khu vực cũng ngày càng được hoàn thiện với các siêu thị, trung tâm thương mại như Aeon Mall, Savico Mall, Vincom Mega Mall Ocean Park... bệnh viện, trường quốc tế như Đại học VinUni, Đại học Anh quốc, Đại học Y khoa Tokyo... Hệ thống tiện ích này giúp nâng tầm, cải thiện đời sống người dân.

Hàng loạt nhà phát triển bất động sản cũng đổ bộ tới khu Đông với những dự án tỷ USD, kiến tạo nên một "trung tâm mới" hiện đại và sầm suất đồng thời thiết lập một mặt bằng mới về chất lượng sống của người dân. Từ địa hạt của nhà thu nhập thấp, khu vực này chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc với sự thâm nhập của đa dạng loại hình bất động sản có quy mô, số lượng, giá bán và thanh khoản mà trước đó chưa từng ghi nhận ở thị trường này.

Giới chuyên gia đánh giá, vùng phía Đông được quy hoạch sau nên hạ tầng đồng bộ và có không gian lớn để xây dựng những khu đô thị thấp tầng - điểm đến mới dành cho giới nhà giàu muốn sống theo xu hướng sinh thái với không gian thoáng đãng.

Sự vươn dậy của các trung tâm mới với hạ tầng đồng bộ, kiến trúc hiện đại đã khoác lên Thủ đô một tấm áo mới, đồng thời, trở thành động lực giúp giải quyết bài toán di dân ra khỏi những trung tâm cũ chật chội, thiếu thốn tiện ích.

Nội dung: Tâm Anh - Thiết kế: Hằng Trịnh - Ảnh: Ngọc Thành